Mỹ mạnh tay với nạn ăn cắp công nghệ của Trung Quốc

ANTD.VN - Trong nỗ lực ngăn chặn nạn ăn cắp công nghệ của Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ ký một biên bản ghi nhớ, qua đó trừng phạt các công ty Trung Quốc nếu có hành động xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Mỹ mạnh tay với nạn ăn cắp công nghệ của Trung Quốc ảnh 1Cửa hàng KFG ở Trung Quốc chẳng khác gì của hãng KFC ở Mỹ

Hãng tin AFP dẫn lời các quan chức chính quyền cho biết, ông Donald Trump sẽ ký văn bản này trong ngày 14-8. Đồng thời, ông sẽ chỉ đạo Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer xác định liệu luật pháp, chính sách hay bất kỳ hoạt động nào của Trung Quốc có biểu hiện phân biệt đối xử hay chống lại các nhà phát minh và công ty Mỹ hay không.

Trung Quốc từ lâu vốn được xem là cái nôi của hàng nhái. Dường như không có bất kỳ sản phẩm nào mà họ không làm lại được, từ quần áo, thức ăn nhanh cho đến cả xe hơi, máy bay, tên lửa. Theo một con số thống kê, cứ 10 sản phẩm được bán trực tuyến ở đất nước này thì có 4 món hàng là nhái hoặc kém chất lượng.

Ở Trung Quốc, việc các công ty đi ăn cắp ý tưởng là “không thành vấn đề”. Thậm chí công ty nào không đi “vay mượn ý tưởng”, công ty đó sẽ bị tụt hậu. Trong cuốn sách “Trung Quốc trong 10 từ” của tác giả Yua Hua, từ được nhắc đến nhiều nhất và quan trọng nhất đó là từ “nhái”. Đây là từ được dùng để mô tả các công ty công nghệ Trung Quốc trong suốt một thập kỷ qua.  

Năm 2013, một nhóm cựu quan chức cấp cao Mỹ do cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc J. Huntsman và cựu Giám đốc Tình báo quốc gia D. Blair đứng đầu đã tiến hành một cuộc điều tra về nạn ăn cắp bản quyền và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Báo cáo của nhóm khẳng định có tới 50-80% vụ vi phạm sở hữu trí tuệ nhằm vào Mỹ có nguồn gốc từ Trung Quốc và các hoạt động này khiến nước Mỹ thiệt hại 300 tỉ USD mỗi năm.

Các quan chức Mỹ khẳng định rằng, chính sách thương mại của Trung Quốc mang mục đích chính là mua lại và tiếp thu tài sản trí tuệ của Mỹ cũng như các nước trên thế giới. Với các công ty Mỹ đến làm ăn ở thị trường Trung Quốc, họ thường xuyên bị đe dọa bởi nạn ăn cắp công nghệ hoặc phát minh trong quá trình hợp tác.

Các doanh nghiệp Mỹ và châu Âu cũng thường phàn nàn về việc khi liên doanh với công ty địa phương, họ bị yêu cầu chuyển giao công nghệ và làm mất tính cạnh tranh. “Đa phần người Mỹ đều hiểu Trung Quốc đang đánh cắp tài sản trí tuệ của chúng tôi. Điều mà họ không biết ở đây là Trung Quốc cũng ép buộc các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc phải bàn giao công nghệ”, hãng tin AFP ngày 13-8 dẫn lời các quan chức Mỹ nói.

Không chỉ công khai cáo buộc Trung Quốc “đánh cắp tài sản trí tuệ”, Mỹ ngày càng mạnh tay với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Lâu nay, Bộ Thương mại Mỹ luôn giữ Trung Quốc trong danh sách các đối tác cần theo dõi vì bị nghi ngờ không tôn trọng các quyền sở hữu trí tuệ. Giải thích cho việc làm này, một quan chức chính quyền Mỹ cho biết: “Nếu người Mỹ cứ để bị đánh cắp những tài sản trí tuệ, công nghệ tốt nhất, hoặc bị buộc chuyển những công nghệ này cho nước ngoài thì Mỹ sẽ khó duy trì được vị trí dẫn đầu trong khoa học công nghệ và là một trong những nền kinh tế sáng tạo nhất thế giới hiện nay”.

Theo nội dung bản ghi nhớ mà Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ ký trong ngày 14-8, cuộc điều tra về các hành vi ăn cắp sở hữu trí tuệ, công nghệ của Trung Quốc sẽ kéo dài trong khoảng một năm. Nếu cuộc điều tra gian lận thương mại này đưa ra kết luận Trung Quốc đã làm thiệt hại nền kinh tế Mỹ thì chính quyền của ông Donald Trump có thể phản ứng bằng cách dùng hàng rào thuế quan hoặc hàng loạt các biện pháp trừng phạt khác.