Mỹ lại chọc giận nước Nga

ANTĐ - Mỹ sắp tiến thêm một bước nữa trong nỗ lực hoàn thành tham vọng thiết lập Hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu, hành động có thể đẩy quan hệ Nga - Mỹ vào tình thế đối đầu như thời “Chiến tranh lạnh”.

Mỹ lại chọc giận nước Nga ảnh 1Tên lửa đánh chặn SM-3 Block IIB của Mỹ

Dẫn nguồn từ Hạm đội 6 của Hải quân Mỹ, Tạp chí Sao và Vạch của Mỹ cho biết, nước này và các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ lần đầu tiên thử nghiệm thành tố biển của Hệ thống phòng thủ tên lửa (AMD) ở châu Âu. Theo kế hoạch, cuộc thử nghiệm sẽ giám sát và tiến hành đánh chặn tên lửa đạn đạo không mang đầu đạn, được phóng đi từ thao trường tại đảo Hebrides, ngoài khơi bờ biển Scotland.

Sau “Chiến tranh lạnh”, với lý do nhằm chống lại mối đe dọa từ Iran, Mỹ đã lên kế hoạch triển khai AMD tại châu Âu. Quá trình này diễn ra theo 4 giai đoạn: Năm 2010, triển khai các hệ thống Aegis trên tàu chiến mặt nước, tên lửa đánh chặn SM-3 Block IA, hệ thống radar phát hiện cơ động trên biển AN/TPY-2. Năm 2011-2015, triển khai tên lửa đánh chặn SM-3 Block IB, các    sensor hiện đại hơn. Năm 2015-2018, triển khai tên lửa đánh chặn SM-3 Block IIA. Năm 2018-2020, triển khai tên lửa đánh chặn SM-3 Block IIB.

Tuy nhiên, ngay từ khi kế hoạch AMD ở châu Âu còn nằm trên giấy, các nhà phân tích đã chỉ ra rằng, mục tiêu của người Mỹ khi đặt hệ thống này chính là nhằm vào nước Nga. Đây là mưu đồ lợi dụng tình thế khó khăn của nước Nga sau khi Liên Xô tan vỡ để phát động chạy đua vũ trang hòng thiết lập một hệ thống tên lửa chiến lược khống chế toàn cầu, ngăn chặn, không để bất cứ nước nào có thể thách thức vai trò bá chủ thế giới của Mỹ. 

Đến nay, động cơ trên càng rõ hơn. Bất chấp việc hồi tháng 7 vừa rồi, Iran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc) đã đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử, cho phép dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt để đổi lấy việc Iran ngừng chương trình hạt nhân, Mỹ vẫn tiếp tục triển khai kế hoạch AMD ở châu Âu. Ngoại trưởng Nga S. Lavrov đã công khai chỉ trích Tổng thống Mỹ B. Obama khi ông nhắc đến bình luận của người đứng đầu Nhà Trắng hồi năm 2009 rằng “trừ phi mối đe dọa từ Iran còn, Mỹ vẫn tiếp tục dựng lá chắn. Còn nếu mối đe dọa Iran không còn nữa, hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu sẽ bị loại bỏ”.

Tất nhiên là Nga không chịu ngồi yên trước tham vọng của Mỹ. Năm 2011, Nga đã đưa 2 trạm radar mang tên Voronezh-DM vào hoạt động tại tỉnh Kaliningrad và khu Krasnodar. Với bán kính hoạt động 6.000 km,Voronezh-DM sẽ kiểm soát toàn bộ không phận châu Âu và Bắc Cực, có khả năng cảnh báo về mọi cuộc tấn công bằng tên lửa của đối phương. Nga cũng đã trang bị cho quân đội loại tên lửa Topol M có khả năng xuyên thủng bất cứ lá chắn phòng thủ tên lửa nào của Mỹ. Nga còn đang nghiên cứu để Topol M và tên lửa đạn đạo trên biển Bulava có khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân. 

Trong chương trình phát triển vũ khí chiến lược, Nga phát triển máy bay ném bom chiến lược TU 160 có thể vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Nga cũng cho bố trí các tổ hợp tên lửa chiến thuật cơ động Iskander và các tổ hợp tên lửa phòng không S 400, được đánh giá là hiện đại hàng đầu thế giới tại các khu vực trọng điểm chiến lược để đánh chặn tên lửa đạn đạo. 

Chắc chắn là trước hành động chọc giận mới nhất của Mỹ, Nga sẽ có đòn trả đũa. Tuy nhiên, khi đó, an ninh toàn cầu sẽ bị đe dọa rõ nét hơn bởi sự đối đầu Nga – Mỹ. Rõ ràng, tham vọng giành ưu thế quân sự với mục đích tăng cường an ninh cho mình nhưng lại gây phương hại cho an ninh người khác là việc làm nguy hiểm, có nguy cơ gây ra cho nhân loại những thảm kịch mới.