Mỹ lạc quan về cam kết của Triều Tiên tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba

ANTD.VN -  “Sẽ không có vụ phóng thử tên lửa hay hạt nhân nào nữa”, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã viết đầy lạc quan trên trang Twitter cá nhân như vậy sau khi Hội nghị thượng đỉnh liên Triều kết thúc tốt đẹp ở Thủ đô Bình Nhưỡng. 

Mỹ lạc quan về cam kết của Triều Tiên tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba ảnh 1Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong cuộc họp báo chung kết thúc Hội nghị thượng đỉnh liên Triều tại Bình Nhưỡng ngày 19-9-2018

Câu nói như một tuyên bố thắng lợi trên mặt trận ngoại giao mà ông Donald Trump và giới chức Mỹ vẫn muốn chứng minh với thế giới bấy lâu nay rằng cuối cùng Washington sẽ đạt được điều mình muốn: Triều Tiên cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên.

Trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Mỹ nêu rõ: “Ông Kim Jong-un đã nhất trí cho phép các thanh sát viên hạt nhân tới Triều Tiên, tùy thuộc vào các kết quả đàm phán cuối cùng, và dỡ bỏ vĩnh viễn một cơ sở thử hạt nhân cùng một bãi phóng trước sự chứng kiến của các chuyên gia quốc tế”. 

Gánh vác một trọng trách lớn lao cho tiến trình đàm phán hạt nhân và hòa giải liên Triều, Tổng thống Moon Jae-in đến Bình Nhưỡng dự hội nghị thượng đỉnh lần thứ ba với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từ ngày 18 đến 20-9. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán về cách thức triển khai những cam kết được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh Singapore hồi tháng 6 giữa Mỹ và Triều Tiên đang bế tắc, đặc biệt liên quan đến việc phi hạt nhân hóa toàn diện Bán đảo Triều Tiên.

Theo các nhà quan sát, đây là một cơ hội quan trọng để Seoul và Bình Nhưỡng làm rõ quan điểm, thu hẹp bất đồng, có sáng kiến đột phá nhằm tạo dựng niềm tin và làm bàn đạp cho giai đoạn tiếp theo. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhận định đây là cơ hội lịch sử để nhà lãnh đạo Triều Tiên thực hiện những cam kết với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore hồi tháng 6, theo đó có thể chứng kiến những bước đi “có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược về giải trừ hạt nhân của Triều Tiên”.

Đúng như kỳ vọng, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã ký  “Tuyên bố chung Tháng 9” kết thúc Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba với cam kết đưa quan hệ liên Triều lên tầm cao mới, tiến gần hơn tới hòa bình và thịnh vượng với một loạt thỏa thuận quan trọng. Trong đó, Bình Nhưỡng cam kết sẽ đóng cửa vĩnh viễn bãi thử hạt nhân Dongchang-ri tại cơ sở hạt nhân Yongbyon dưới sự giám sát của các chuyên gia quốc tế. 

Tuy nhiên, các chuyên gia chính trị nhận định rằng Mỹ không nên vội lạc quan trước những tuyên bố của Bình Nhưỡng. Trong “Tuyên bố chung Tháng 9”, Nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhấn mạnh sẵn sàng đóng cửa cơ sở hạt nhân chủ chốt Yongbyon nếu Mỹ có bước đi phù hợp. Điều đó có nghĩa cũng như những Tuyên bố chung tại các hội nghị trước giữa Hàn - Triều và Mỹ - Triều, Bình Nhưỡng vẫn đặt điều kiện “có đi có lại”, một kiểu “bình mới rượu cũ”.  

Để tỏ thiện chí thúc đẩy tiến trình hòa hợp và hòa giải, Triều Tiên từng tuyên bố ngừng các vụ thử hạt nhân hay dỡ bỏ bãi phóng tên lửa trước sự chứng kiến của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, Triều Tiên cho rằng nỗ lực của nước này không được đáp lại khi Mỹ từ chối ký kết Hiệp định Hòa bình chấm dứt chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), về mặt kỹ thuật mới chỉ tạm dừng bằng một Hiệp ước đình chiến. Bình Nhưỡng coi đây như một  “điều kiện tiên quyết” cho việc phi hạt nhân hóa, một “bước đi tương đồng”, điều kiện cần và đủ để xóa bỏ những hoài nghi đã  “ăn sâu bám rễ” suốt hơn 70 năm trong mối quan hệ song phương đầy thù địch.

Tuy nhiên, với Washington, Hiệp định Hòa bình chỉ có thể đạt được khi Triều Tiên trước tiên phải tiến hành bước đi cụ thể, có thể kiểm chứng về tiến trình phi hạt nhân hóa, thay vì đưa ra một cử chỉ mang tính biểu tượng nhiều hơn. Bởi trên thực tế, việc tuyên bố ngừng các vụ thử hạt nhân hay dỡ bỏ bãi thử tên lửa của Triều Tiên không ảnh hưởng đến hệ thống vũ khí hạt nhân mà Bình Nhưỡng đang sở hữu.

Hơn nữa, Washington lo ngại rằng, một khi Hiệp định hòa bình được ký kết thì Bộ chỉ huy lực lượng vũ trang của Liên hợp quốc (UNC), đồn trú tại Hàn Quốc để bảo vệ miền Nam trước các đe dọa từ phía Bắc, sẽ phải triệt thoái. Và một khi đã bị giải tán, Mỹ và các đồng minh sẽ không thể tái lập lực lượng này để bảo vệ Seoul, trong trường hợp Bình Nhưỡng thay đổi thái độ bởi trong hoàn cảnh hiện tại, Hội đồng Bảo an - với quyền phủ quyết của Nga và Trung Quốc - chắc chắn sẽ không phê chuẩn cho việc tái triển khai một lực lượng như vậy tại Hàn Quốc.