Mỹ gia tăng tuần tra tự do hàng hải để ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lần đầu tiên trong 6 năm qua, cùng một lúc hai hàng không mẫu hạm của Hải quân Mỹ được điều động đến tập trận trên Biển Đông. Đây được coi là động thái nhằm đáp lại các yêu sách phi lý của Trung Quốc ở vùng biển này. 

Mỹ gia tăng tuần tra tự do hàng hải để ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông ảnh 1Bộ đôi tàu sân bay Mỹ tham gia tập trận ở Biển Đông

Hoạt động tuần tra tự do hàng hải của Mỹ tăng dần theo các năm

Hai hàng không mẫu hạm tham gia cuộc tập trận từ ngày 4-7 là USS Nimitz và USS Ronald Reagan. Cùng tham gia tập trận còn có hơn 12 nghìn thủy thủ và phi công. Theo giới quân sự Mỹ, đây là động thái rất cần thiết để thể hiện cam kết của Mỹ trong bảo vệ lợi ích chung toàn cầu khi đảm bảo quyền tự do đi lại trên biển.

Việc điều chiến hạm tham gia các hoạt động tuần tra tự do hàng hải là chính sách lâu dài của Mỹ. Khởi đầu từ năm 1979, chương trình này nhắm đến các tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp trên khắp thế giới, trong đó có yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc chiếm tới hơn 80% diện tích Biển Đông.

Kể từ khi Trung Quốc đẩy nhanh việc bồi lấp trái phép, biến các đá trên Biển Đông thành các đảo nhân tạo trong giai đoạn 2014-2018, Mỹ bắt đầu tăng cường các cuộc tuần tra tự do hàng hải trên vùng biển này. Ngày 26-10-2015, tàu khu trục USS Lassen của Hải quân Mỹ đã di chuyển trong khu vực 12 hải lý quanh đá Subi, một thực thể chìm khi thủy triều lên và được Trung Quốc tôn tạo trái phép thành đảo nhân tạo. Đây là hoạt động tự do hàng hải đầu tiên tại khu vực kể từ năm 2012. 

Theo các số liệu thống kê, số đợt hoạt động tự do hàng hải của Mỹ tăng dần theo các năm: 2 lần trong năm 2015, 3 lần trong năm 2016, 6 lần trong năm 2017, 5 lần trong năm 2018, 9 lần trong năm 2019. Ông Collin Koh, chuyên gia nghiên cứu tại Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, nhận định: “Rõ ràng, dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, chúng ta thấy một động lực cụ thể hơn đối với các hoạt động tự do hàng hải trên Biển Đông, với sự gia tăng tần suất kể từ năm 2015 và sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức”.

Ngày 25-1-2020, ngay đầu năm mới âm lịch 2020, tàu tác chiến cận bờ USS     Montgomery của Mỹ đã tiến hành chuyến tuần tra tự do hàng hải gần Đá Gạc Ma và Đá Chữ Thập tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp. Giữa tháng 4-2020, Mỹ và Australia tiến hành tập trận chung trên Biển Đông với sự tham gia của tàu tuần dương USS Bunker Hill và tàu đổ bộ tấn công USS America của Mỹ cùng tàu hộ vệ HMAS Parramatta của Australia. 

Một điểm mới trong năm 2020 là khi Trung Quốc điều tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 áp sát tàu khoan thăm dò dầu khí West Capella của Malaysia đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này ở Biển Đông, Mỹ đã điều tàu USS Barry cùng tàu tấn công đổ bộ USS America và tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill tiến hành các hoạt động gần nơi hoạt động của tàu West Capella để gián tiếp cảnh báo Trung Quốc. 

Trong khi Mỹ cho rằng các hoạt động của tàu hải quân nước này nằm trong khuôn khổ hoạt động bảo đảm tự do hàng hải theo luật quốc tế, thì Trung Quốc khẳng định hành động của Mỹ là “vi phạm chủ quyền”. Chính vì thế, giữa hai bên từng xảy ra các vụ đối đầu. Điển hình là vụ tháng 12-2013, khi tàu đổ bộ Trung Quốc chạy chắn ngang mũi tàu tuần dương mang tên lửa USS Cowpens của Mỹ đang thực hiện tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông khiến tàu này phải chuyển hướng để tránh va chạm.

Thể hiện cam kết của Mỹ trong đảm bảo quyền tự do đi lại trên biển

Sự can dự ngày càng tăng của Mỹ ở Biển Đông xuất phát trước hết là do Mỹ lo ngại về quyền tự do đi lại trên biển và nhu cầu bảo vệ hoạt động kinh doanh của các công ty năng lượng Mỹ, nói rộng ra là lợi ích kinh tế của Mỹ. Trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, vùng biển này ngày càng chiếm giữ vị thế quan trọng vì đây là một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất của thế giới nối liền châu Âu với châu Á, Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương. 

Nếu như không ngăn chặn được yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc, các hoạt động tuần tra của Mỹ tại vùng biển quốc tế như hiện nay ở Biển Đông sẽ bị Trung Quốc coi là “vi phạm” vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này. Thêm vào đó, cũng có ý kiến cho rằng thái độ “làm ngơ” của các chính quyền Mỹ trước đây đã tạo điều kiện cho Trung Quốc tôn tạo các đá trên Biển Đông thành đảo nhân tạo rồi biến chúng thành các cơ sở quân sự. Một số chuyên gia thì đánh giá chính động thái “thiếu thận trọng” của chính quyền Tổng thống Donald Trump thời gian trước đây đã khiến các đồng minh lo ngại rằng họ không thể trông cậy vào Mỹ, trong khi Trung Quốc cho rằng Mỹ đang suy yếu và tăng cường các hoạt động quyết liệt hơn trên Biển Đông, nhằm vào cả Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia.

Chính vì thế, gia tăng các hoạt động tuần tra tự do hàng hải hay điều tàu sân bay cùng diễn tập và tuần tra trên Biển Đông là động thái của Mỹ nhằm trấn an các đồng minh và các đối tác về cam kết của Mỹ trong việc kiềm chế đối thủ mà không gây xung đột quân sự. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Clarke Cooper khẳng định: “Chúng tôi không muốn thấy tàu bè hoạt động hợp pháp bị cản trở hay cưỡng ép. Đó là điều chúng tôi quan tâm khi tiến hành hoạt động tự do hàng hải, cũng như duy trì hiện diện của lực lượng hải quân trong khu vực”.

Phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ Rachel McMarr thì khẳng định: “Mỹ xem quyền tự do hàng hải như một nguyên tắc. Các nhiệm vụ tự do hàng hải trong chương trình được tiến hành một cách hòa bình, không thiên vị hoặc chống lại bất kỳ quốc gia cụ thể nào”. Tuy nhiên trên thực chất, đây là một trong những biện pháp nhằm ngăn chặn Trung Quốc kiểm soát Biển Đông, đẩy ảnh hưởng của Mỹ khỏi khu vực. 

Còn theo ông Sébastien Roblin, bình luận viên chuyên về an ninh quốc tế và lịch sử quân sự, cuộc diễn tập của các tàu sân bay Mỹ ở Biển Đông là động thái rất cần thiết để thể hiện cam kết của Mỹ trong bảo vệ lợi ích chung toàn cầu khi đảm bảo quyền tự do đi lại trên biển. Trên mạng NBC News, ông Sébastien Roblin viết: “Cuộc diễn tập và nhiệm vụ tuần tra Biển Đông của các tàu sân bay này là trường hợp hiếm hoi khi luật pháp quốc tế, sứ mệnh bảo vệ các nước yếu hơn và lợi ích quốc gia Mỹ hội tụ”.