Mỹ điều tra các ngân hàng tuyển dụng con cháu lãnh đạo Trung Quốc

ANTĐ -Một số ngân hàng đang nằm trong tầm ngắm của Washington vì nghi tuyển dụng con cháu của các lãnh đạo Trung Quốc để nhận lại ưu đãi. Trong chiến dịch rà soát này, Ngân hàng JP Morgan được yêu cầu cung cấp thông tin liên lạc của ngân hàng này với 35 quan chức cao cấp Trung Quốc.
Mỹ điều tra các ngân hàng tuyển dụng con cháu lãnh đạo Trung Quốc ảnh 1

Ngân hàng JPMorgan bị điều tra vì giao dịch “ưu đãi-tuyển dụng”

Nhiều ngân hàng tuyển “con ông cháu cha”

Theo tờ South China Morning Post, giới chức Mỹ đang theo dõi chặt chẽ một loạt ngân hàng lớn của Mỹ và quốc tế như Goldman Sachs, Citi, Morgan Stanley, UBS, Credit  Suisse và Deutsche Bank, nghi ngờ tuyển dụng con em của nhiều lãnh đạo Trung Quốc để nhận được các ưu đãi hay được tạo điều kiện để phát triển tại quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Các cuộc điều tra được Bộ Tư pháp Mỹ bắt đầu từ năm 2013, thông qua văn phòng Chưởng lý Brooklyn, chi nhánh Cục Dự trữ Liên bang New York và Ủy ban Chứng khoán và hối đoái Mỹ (SEC) - cơ quan đóng vai trò chủ đạo.Ủy ban SEC đã yêu cầu các ngân hàng trên giải trình về hàng chục trường hợp nhân viên được tuyển dụng và thực tập tại Trung Quốc. Hiện, mới chỉ có ngân hàng UBS cho biết sẽ hợp tác với các nhà điều tra Mỹ còn các ngân hàng khác không đưa ra bình luận. 

Nghi ngờ về hoạt động trao đổi “ưu đãi - tuyển dụng” dấy lên từ năm 2013 khi ngân hàng JPMorgan xác nhận thông tin Chính phủ Mỹ mở cuộc điều tra liên quan tới hoạt động tuyển dụng của ngân hàng này tại Trung Quốc. Ngân hàng Credit Suisse đã tuyển Ôn Như Xuân, con gái của cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo vào làm việc thời gian từ năm 1999-2001, sau khi cô học xong tại Mỹ. JP Morgan cũng đã từng tuyển dụng Ôn Như Xuân vào chức vụ cố vấn.

Tờ New York Times đưa tin,  JPMorgan đã trả cho công ty của bà Ôn Như Xuân tổng cộng 1,8 tỷ USD từ 2006-2008 dưới hình thức một hợp đồng làm ăn. Khoản tiền này sau đó đã trở thành tâm điểm để giới chức Mỹ chú tâm tới JPMorgan. Ngân hàng Goldman Sachs cũng từng tuyển Giang Chí Thành, cháu trai của cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân. 

Mỹ yêu cầu thông tin 35 quan chức Trung Quốc

Trong số các trường hợp tuyển dụng đáng nghi, JP Morgan đã tuyển con trai của ông Đường Song Ninh, Chủ tịch Tập đoàn Tài chính Nhà nước Trung Quốc “China Everbright”.  Tờ New York Times cho rằng sau khi con trai của ông này được tuyển dụng, JP Morgan giành được một loạt hợp đồng với “China Everbright”.

 Hồi đầu tháng 2-2015, tờ Wall Street  Journal đưa tin, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc - ông Cao Hổ Thành đã “chạy” để con trai Cao Giác được tuyển dụng vào ngân hàng JP Morgan của Mỹ. Cao Giác làm tại JP Morgan năm 2007, chuyên môn yếu kém, từng gửi một thư điện tử nội dung thiếu lành mạnh đến phòng nhân lực tài chính. Năm 2009, Cao Giác nghỉ việc ở JP Morgan, sau đó làm cho nhiều công ty lớn khác. Một công tố viên Mỹ nhận định, việc tuyển dụng Cao Giác có thể vi phạm điều luật cấm các công ty Mỹ đưa hối lộ quan chức ở nước ngoài.

Tờ Wall Street Journal đưa tin, tháng trước Ủy ban SEC đã gửi một trát hầu tòa đến               JPMorgan yêu cầu cung cấp thông tin liên lạc của ngân hàng này với 35 quan chức Chính phủ Trung Quốc. Ông Vương Kỳ Sơn - Bí thư Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương, người đứng đầu chiến dịch chống tham nhũng ở Trung Quốc, là một trong số những tên được liệt ra trong trát hầu tòa này. 

Bộ Tư pháp Mỹ, cơ quan đang điều tra vụ việc ngân hàng tuyển dụng người thân và bạn bè của quan chức Chính phủ, cũng yêu cầu được cung cấp thông tin về ông Vương. Ngoài ông Vương Kỳ Sơn, danh sách còn có tên ông Quách Thanh Côn, Bộ trưởng Bộ Công an và ông Phan Công Thắng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc. Brian Marchiony, một phát ngôn viên của ngân hàng JP Morgan ở NewYork và ông John Nester thuộc Ủy ban SEC đã từ chối bình luận về thông tin này.

Điều tra đối với ngân hàng JPMorgan tập trung vào giai đoạn 2006-2013, khi ngân hàng này kết thúc chương trình tuyển dụng đặc biệt mà một số nhân viên gọi là “Con trai và con gái”, nhằm dễ giúp ngân hàng này tiếp cận các ưu đãi tại thị trường Trung Quốc.

Theo một số nhà phân tích, việc tuyển dụng con cháu lãnh đạo Trung Quốc bị tác động nhiều yếu tố. Chẳng hạn, con cháu họ thường được du học nước ngoài, trong đó có cả Đại học danh tiếng Harvard của Mỹ. Thêm nữa, mối quan hệ gia đình có lợi cho công việc kinh doanh của nhà tuyển dụng.