Mỹ chuẩn bị phương án dự phòng nếu đàm phán thỏa thuận hạt nhân Iran thất bại

ANTD.VN -Ngày 21/3, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, nước này đã có những cuộc đàm phán mang tính xây dựng về thỏa thuận hạt nhân Iran với Anh, Pháp và Đức, nhưng cũng đang chuẩn bị những kế hoạch khẩn cấp phòng trường hợp đàm phán thất bại.

Phát biểu với báo giới, Vụ trưởng Vụ Hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ Brian Hook cho biết, dù Mỹ đã có những cuộc hội đàm mang tính xây dựng với các nước châu Âu về một hiệp định bổ sung, nhưng hiện chưa thể dự đoán liệu các bên có đạt được thỏa thuận cuối cùng hay không. 

Vì thế, Washington vẫn đang chuẩn bị các phương án dự phòng theo chủ trương theo đuổi "nước đôi" trong vấn đề này. Ông Hook cũng là nhà thương lượng hàng đầu trong các cuộc đàm phán với 3 quốc gia châu Âu tại thủ đô Berlin của Đức vào ngày 15/3 trước khi diễn ra các cuộc họp mở rộng vào ngày 16/3 vừa qua tại thủ đô Vienna của Áo với một nhóm các quốc gia giám sát thực thi thỏa thuận hạt nhân Iran. 

Mỹ chuẩn bị phương án dự phòng nếu đàm phán thỏa thuận hạt nhân Iran thất bại ảnh 1

Các bên tham gia đàm phán thỏa thuận hạt nhân Iran 2015

 Thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA), được Iran ký với nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) hồi tháng 7/2015, dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Theo thỏa thuận này, Tehran hạn chế các hoạt động làm giàu urani để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của quốc tế. Tuy nhiên, hồi năm ngoái, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố không công nhận Iran tuân thủ thỏa thuận kể trên. 

Tới tháng 1 vừa qua, ông Trump tuyên bố JCPOA phải được "sửa chữa" trước ngày 12/5 nếu không Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận này. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết  Tổng thống Trump mong muốn đạt được một thỏa thuận "bổ sung" cho JCPOA với sự nhất trí của các nước châu Âu. 

Thỏa thuận này sẽ bao gồm chương trình tên lửa đạn đạo của Iran, các hoạt động của nước CH Hồi giáo trong khu vực, việc chấm dứt một phần thỏa thuận hạt nhân vào giữa những năm 2020 và tăng cường sự thanh tra và giám sát của Liên hợp quốc.

 Trong khi đó, một số nhà phân tích cho rằng, khả năng Mỹ rút khỏi thỏa thuận là hoàn toàn có thể. Nếu như trước đây, không thể đụng đến thỏa thuận này là vì 2 lý do, thứ nhất là sự không đồng tình của Liên minh châu Âu trong vấn đề này và thứ hai cuộc khủng hoảng hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên khi ấy đang ở cao trào.

Nay cả hai trở ngại trên đều đang có xu hướng được giải tỏa và đây cũng có thể là kịch bản dự phòng mà Mỹ đang nhắc tới, một chiến lược gây sức ép tối đa với Iran giống như đã làm với Triều Tiên.