Mỹ cảnh báo nguy cơ chiến tranh lạnh toàn diện với Trung Quốc

ANTD.VN - Có thể còn sớm để khẳng định một cuộc chiến tranh đã bắt đầu hay chưa giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc song đã thấy rõ việc Washington hiện đã xem Bắc Kinh là đối thủ lớn nhất hiện nay.

Mỹ cảnh báo nguy cơ chiến tranh lạnh toàn diện với Trung Quốc ảnh 1Mỹ và Trung Quốc có thể rơi vào một cuộc Chiến tranh Lạnh nếu Trung Quốc không kiềm chế những bước đi nhằm thực hiện tham vọng cường quốc toàn cầu

Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc hiện đã xuống tới mức thấp điểm nhất kể từ khi chuyển trạng thái từ đối đầu vào đầu những năm 1970 sang “vừa hợp tác vừa đấu tranh”. Điều đó có thể thấy ngay trong cảnh báo đưa ra ngày 14-11 của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence rằng, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến tranh lạnh toàn diện với Mỹ và các đối tác của Mỹ nếu quốc gia này không thay đổi cơ bản hành vi của mình.

Phát biểu trên đây khá bất ngờ, thể hiện sự thay đổi quan điểm rất đáng chú ý của chính quyền Tổng thống Donald Trump về quan hệ với Trung Quốc. Bởi trước đó, trong cuộc họp báo sau cuộc Đối thoại An ninh và ngoại giao Mỹ - Trung lần thứ 2 tại Thủ đô Washington ngày 9-11 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo còn nêu rõ Washington không hướng đến một cuộc chiến tranh lạnh hay chính sách kiềm chế với Trung Quốc. 

Là những cường quốc thế giới, lại có chế độ chính trị khác biệt, Mỹ và Trung Quốc luôn là những đối thủ của nhau. Thời Chiến tranh Lạnh, lợi dụng sự mâu thuẫn trong quan hệ Liên Xô-Trung Quốc, Mỹ đã lôi kéo, bắt tay với Trung Quốc để tập trung sức mạnh đối phó với đối thủ mà Washington xác định hùng mạnh nhất là Liên Xô. Chiến lược “chia để trị” này đánh dấu bằng chính sách “ngoại giao bóng bàn” với kết quả là chuyến thăm “phá băng” lịch sử của Tổng thống Richard Nixon tới Bắc Kinh năm 1972.

Bình thường hóa quan hệ, bắt tay với Mỹ là tiền đề hết sức quan trọng để Trung Quốc thực thi đường lối cải cách mở cửa từ cuối những năm 1970. Đường lối này đã mở ra con đường phát triển mạnh mẽ cho Trung Quốc suốt gần 40 năm qua, đưa nước này từ cường quốc đông dân số 1 thế giới với nền kinh tế yếu đuối trở thành cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới.

GDP của Trung Quốc năm 2017 đạt 12.240 tỷ USD và dự báo đạt 13.200 tỷ USD trong năm 2018 này, đưa quốc gia này tiến thêm một bước dài trong việc bắt kịp và vượt GDP của Mỹ (đạt 19.390 tỷ USD năm 2017) vào năm 2030 như nhiều dự báo. Sức mạnh kinh tế đã đặt nền móng để Trung Quốc thực hiện tham vọng trở thành cường quốc mạnh nhất toàn cầu.

Chiến lược phát triển thành cường quốc toàn cầu đã được Trung Quốc thực thi bằng những bước đi cụ thể từ nhiều năm qua như tuyên bố áp đặt Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Hoa Đông, đưa ra yêu sách “đường lưỡi bò” hòng độc chiếm Biển Đông… và đặt căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài tại Djibouti… “Con hổ giấy” Trung Quốc ngày nào theo đánh giá của Mỹ, nay đã thành một con hổ thực sự với sức mạnh không thể xem thường.

Trung Quốc chứ không phải Nga (kế thừa Liên Xô) mới là đối thủ đáng sợ nhất đe dọa vị thế siêu cường số 1 thế giới của Mỹ. Washington đã nhận ra điều này và trên thực tế đã thực thi các chiến lược, biện pháp nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Bắc Kinh. Điều này được thể hiện công khai và quyết liệt hơn từ khi chính quyền Tổng thống Donald Trump lên cầm quyền.

Phó Tổng thống Mỹ Pence sau khi đưa ra cảnh báo nếu Bắc Kinh không “thay đổi cơ bản hành vi của mình”, thể hiện bằng cam kết cụ thể trong cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina vào ngày 30-11 tới, Washington sẽ gia tăng áp lực về kinh tế, ngoại giao cũng như về chính trị. Còn khá sớm, nhưng chiến tranh lạnh Trung-Mỹ sớm muộn cũng xảy ra khi Trung Quốc khó từ bỏ đích tới cường quốc toàn cầu đã hoạch định.