Mỹ cấm vận Cuba: Cần khép lại một chính sách lỗi thời

ANTD.VN - Bất chấp sự chỉ trích của tuyệt đại đa số các nước thành viên Liên hợp quốc, Mỹ vẫn quyết định bỏ phiếu chống lại nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc kêu gọi chấm dứt cấm vận kinh tế của Mỹ đối với Cuba. 

Mỹ cấm vận Cuba: Cần khép lại một chính sách lỗi thời ảnh 1Bất chấp lệnh cấm vận, lượng du khách Mỹ đến Cuba vẫn tăng

Đã 24 năm nay, Mỹ luôn phản đối và bỏ phiếu chống lại nghị quyết này của Liên hợp quốc. Duy nhất một lần Mỹ bỏ phiếu trắng là năm 2016 dưới thời Tổng thống Barack Obama, người chủ trương hàn gắn quan hệ với Cuba. Năm nay, trong số 193 nước tham gia bỏ phiếu, có tới 189 nước bày tỏ sự ủng hộ với Cuba, áp đảo hoàn toàn so với 2 phiếu chống của Mỹ và Israel.

Có thể nói Cuba là quốc gia bị Mỹ áp đặt cấm vận “dai dẳng và khốc liệt” nhất từ trước đến nay. Năm 1962, sau thất bại của vụ can thiệp Vịnh Con lợn, Mỹ bắt đầu áp dụng lệnh cấm vận toàn diện với Cuba. Kể từ đó đến nay, mỗi Tổng thống Mỹ lên cầm quyền đều tìm cách củng cố lệnh này. Năm 1992, lệnh cấm này được siết chặt thêm khi Washington đưa ra Đạo luật Helms-Burton trừng phạt bất cứ công ty nước ngoài nào làm ăn giao dịch với Cuba.

Khỏi phải nói “bức tường” mà Mỹ dựng lên nhằm cô lập Cuba với thế giới bên ngoài đã gây thiệt hại to lớn thế nào với đất nước này. Tính từ năm 1962 đến nay, quốc đảo Cuba đã chịu thiệt hại lên tới gần 934 tỷ USD do lệnh cấm vận của Mỹ. “Rào cản” cấm vận đã tác động tiêu cực đến những lĩnh vực nhạy cảm nhất của Cuba như: y tế, giáo dục, ngành thực phẩm và hệ thống ngân hàng, tài chính…, khiến người dân Cuba không thể tiếp cận hoặc khó tiếp cận với một số loại thuốc đặc biệt cũng như một số thiết bị giáo dục cần thiết.

Cũng có lúc mối quan hệ Mỹ - Cuba xuất hiện những điểm sáng như dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Tháng 12-2014, lãnh đạo hai nước đã quyết định bình thướng hóa quan hệ. Sau hơn 50 năm, Đại sứ quán Mỹ đã chính thức mở lại tại La Habana, mở đường cho chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Mỹ tới Cuba sau gần 90 năm của ông Obama vào tháng 3-2016.

Tuy nhiên, khoảng lặng trong quan hệ Mỹ - Cuba kéo dài không lâu. Ngay sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thực hiện một loạt các bước đi mang tính thụt lùi. Tháng 6-2017, ông Trump ký Bản ghi nhớ ủng hộ việc thắt chặt cấm vận Cuba. Tiếp đó Nhà Trắng ban hành danh sách hạn chế các công ty Cuba cũng như việc đưa ra cảnh báo đi lại đối với công dân Mỹ tới Cuba.

Sự tái hiện tư duy đối đầu của Mỹ thể hiện rõ khi trước cuộc bỏ phiếu nghị quyết kêu gọi chấm dứt cấm vận kinh tế đối với Cuba vừa rồi, Mỹ đưa ra yêu sách đòi sửa đổi 8 điểm, bao gồm yêu cầu Cuba bảo đảm các quyền dân sự, chính trị và kinh tế cho người dân của mình. Khi không đạt được mục đích, Mỹ ngay lập tức trả đũa bằng việc đưa hơn 20 công ty Cuba vào danh sách mà người Mỹ không được phép hợp tác làm ăn hay tài trợ.

Tất nhiên tư duy lỗi thời này không nhận được sự hưởng ứng của các nước. Không chỉ phản đối lệnh cấm vận, những người bạn của Cuba sẵn sàng chia sẻ khó khăn với quốc đảo này. Mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết doanh nghiệp Nga sẵn sàng thực hiện chương trình hiện đại hóa nền kinh tế Cuba để giảm thiểu tác động lệnh cấm vận của Mỹ. Hai bên vừa ký các hợp đồng trị giá 260 triệu USD, trong đó có thỏa thuận Công ty “Đường sắt Nga” cung cấp cho Cuba hơn 800 toa tàu trong giai đoạn 2019 - 2021.

Trên thực tế, lệnh cấm vận của Mỹ không thể biến Cuba thành quốc đảo hoang mạc giữa đại dương. Bất chấp sự chống phá và sức ép của lệnh bao vây cấm vận, Cuba vẫn đứng vững. Hầu như không có ai nghĩ rằng những biện pháp như vậy sẽ giúp Nhà Trắng thực hiện được mục tiêu thay đổi chế độ chính trị ở Cuba. Trong bối cảnh đó, tiếp tục chính sách bao vây, cấm vận là tư duy lỗi thời, đi ngược lại trào lưu phát triển của thế giới.