Muốn có tiền để khởi nghiệp, nhiều nữ doanh nhân bị gạ tình

ANTD.VN - Hàng loạt phụ nữ chập chững khởi nghiệp trong ngành công nghệ ở Mỹ gần đây công khai tố cáo đích danh những nhà đầu tư lợi dụng tình cảnh cần tiền của họ để gạ tình. 

Đáng lo ngại, tình trạng quấy rối tình dục trong lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ không chỉ xảy ra ở một công ty mà ở quy mô rộng. Hơn 20 phụ nữ khởi nghiệp trong ngành công nghiệp đã kể với báo The New York Times việc họ bị quấy rối tình dục như thế nào. 10 người trong số đó nêu đích danh những kẻ quấy rối, thường qua tin nhắn điện thoại hoặc e-mail, trong đó có những nhà đầu tư mạo hiểm có tiếng như ông Chris Sacca của Quỹ đầu tư Lowercase Capital và ông Dave McClure ở Quỹ 500 Startups.

Ra mặt đổi tình lấy tiền, công việc

Những thông tin đó được tiết lộ sau khi trang tin công nghệ The Information đưa tin rằng nhiều nữ doanh nhân trở thành con mồi của nhà đầu tư Justin Caldbeck ở Quỹ Binary Capital. Nhà đầu tư này bị tố đã quấy rối các nữ doanh nhân trong thời gian làm việc cho 3 quỹ đầu tư mạo hiểm khác nhau suốt 7 năm qua, thường là trong những cuộc gặp mà các nữ doanh nhân đến trình bày ý tưởng để kêu gọi đầu tư.

Trong một cuộc gặp gỡ của giới công nghệ tại Las Vegas năm 2009, nữ doanh nhân Susan Wu nói rằng ông Sacca, một nhà đầu tư từng là Giám đốc điều hành của Google, sờ vào người mình mà không hỏi trước. Wu nói rằng chị cũng bị ông Caldbeck gạ tình trong khi chị đang cần huy động vốn năm 2010 và chị đã phải tìm mọi cách để tránh mặt ông này.

Nhiều phụ nữ cũng nói rằng họ không đủ khả năng để phản kháng những hành vi không phù hợp, chủ yếu vì họ cần tiền đầu tư, cần việc làm hoặc giúp đỡ. 

Phụ nữ là đối tượng bị quấy rối tình dục

Một số vụ lạm quyền của các nhà đầu tư mạo hiểm bị phơi bày trong những năm gần đây. Năm 2015, chị Ellen Pao đưa sếp cũ của mình ở hãng đầu tư mạo hiểm danh tiếng Kleiner Perkins Caufield & Byers ra tòa với cáo buộc phân biệt giới tính, cộng thêm những cáo buộc về trả thù nghề nghiệp sau khi gạ gẫm không thành. Pao thua vụ đó, nhưng đã châm ngòi cho một làn sóng tranh luận rằng liệu phụ nữ trong ngành công nghệ có nên phơi bày những hành vi đối xử bất công. 

Cuối tháng 6 vừa qua, ông Travis Kalanick - cựu CEO kiêm đồng sáng lập Công ty Uber, đã chính thức bị buộc thôi việc, sau hơn 3 tháng tạm nghỉ vô thời hạn tại Uber. Việc ông Kalanick từ chức đến ngay sau cuộc điều tra nội bộ công ty về văn hóa làm việc tại doanh nghiệp này sau khi một lao động nữ công khai tố cáo các cấp quản lý của Uber đã có hành vi quấy rối tình dục nghiêm trọng.

Nạn nhân trong vụ việc này là Susan Fowler (cô rời Uber hồi tháng 12-2016), cho biết vấn đề xuất hiện ngay từ những ngày đầu tiên cô chính thức vào công ty. Fowler đăng tải bản báo cáo trên blog và gọi nó là “một câu chuyện kỳ lạ, hấp dẫn và có chút kinh hoàng”.

“Trong ngày làm việc chính thức đầu tiên của mình, tôi đã bị quản lý gửi cho một chuỗi tin nhắn qua hệ thống chat của công ty. Anh ta nói là người có mối quan hệ mở và bạn gái anh ta dễ dàng tìm kiếm đối tác mới trong khi anh ta thì không. Anh ta đang cố gắng thoát khỏi các phiền toán tại công ty, nhưng rồi không làm được điều đó bởi anh ta đang tìm kiếm một phụ nữ để quan hệ tình dục. Rõ ràng anh ta đang cố gắng gạ gẫm tôi ngủ với anh ta và tôi đã ngay lập tức chụp hình các tin nhắn chat để báo cáo với đội quản lý nhân sự”. 

Các câu chuyện trên cho thấy tình trạng quấy rối tình dục trong lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ không chỉ xảy ra ở một công ty mà ở quy mô rộng. Giờ đây, những câu chuyện được tiết lộ cho thấy sự thay đổi văn hóa ở Thung lũng Silicon, nơi những hành vi như vậy thường bị ỉm đi.

Câu chuyện của những phụ nữ ấy giúp giải thích tại sao hệ sinh thái khởi nghiệp và đầu tư mạo hiểm - nơi sinh ra các hãng công nghệ khổng lồ như Google, Facebook và Amazon, lại thiếu phụ nữ như vậy. Theo Cơ sở dữ liệu vốn đầu tư mạo hiểm PitchBook, hầu hết các doanh nhân và nhà đầu tư mạo hiểm trong ngành công nghệ đều là đàn ông, khi các doanh nhân nữ chỉ nhận được tổng mức đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD trong năm ngoái, còn nam giới nhận được 58,2 tỷ USD.