Mùa thu Cách mạng và sự ra đời của một bài hát

Nhiều thế hệ người Việt Nam có lẽ ai cũng thuộc và từng hát "Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng" và mỗi khi ngân lên âm hưởng đó, trong mỗi người lại nhớ về Mùa thu Cách mạng, mùa thu năm 1945.

Mùa thu Cách mạng và sự ra đời của một bài hát

Nhiều thế hệ người Việt Nam có lẽ ai cũng thuộc và từng hát "Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng" và mỗi khi ngân lên âm hưởng đó, trong mỗi người lại nhớ về Mùa thu Cách mạng, mùa thu năm 1945.

Bác Hồ với các cháu thiếu nhi quê nhà Nghệ An (Ảnh: tư liệu)

Bác Hồ với các cháu thiếu nhi quê nhà Nghệ An (Ảnh: tư liệu)

Nhạc sĩ Phong Nhã, tác giả của bài hát đó có lần kể: Bài hát này được viết cuối năm 1945 và chính không khí sục sôi khí thế cách mạng của Mùa thu Tháng Tám lịch sử và công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã tạo nguồn cảm hứng để tác giả viết: "Ai yêu Bác Hồ Chí Minh..." và để tác phẩm sống mãi với thời gian.

Ngày 2/9/1945, một ngày đã đi vào lịch sử của dân tộc. Bác Hồ ra mắt lần đầu tiên ở Thủ đô Hà Nội và đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, long trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam đã độc lập, người Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập ấy. Với nhạc sĩ Phong Nhã đó là một khoảnh khắc lịch sử, một dấu ấn không bao giời phai.

Ngày 5/9/1945, chỉ sau 3 ngày chính quyền về tay nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho các cháu thiếu nhi với những lời lẽ thật tâm huyết: "Non sông Việt Nam có trở lên vẻ vang hay không. Dân tộc Việt Nam có vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu"...

Tiếp đến Tết Trung thu độc lập đầu tiên - ngày 20/9/1945, Người lại viết thư gửi các cháu và căn dặn: Các cháu vào Hội Nhi đồng cứu quốc để "tập làm quen với đời sống chiến sĩ và giúp đỡ một vài việc nhỏ cho Cách mạng...". Cũng Tết Trung thu năm ấy, Bác còn bày cỗ để đón một số các cháu vào vui Tết Trung thu cùng Bác và được Bác tặng kẹo!

Sự chăm sóc ân cần của Bác đối với thiếu nhi, nhất là với các cháu thiếu nhi nghèo khổ trong những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám đã thấm vào tâm hồn mỗi người Việt Nam, vào tâm hồn nhạc sĩ Phong Nhã. Tất cả những điều đó chính là khởi nguồn ra đời một sáng tác bất hủ, thể hiện tình cảm sâu nặng của thiếu nhi Việt Nam đối với vị Cha già kính yêu của dân tộc.

Thời điểm ấy, mới có ba bài hát về Bác Hồ: "Hồ Chí Minh muôn năm" (Minh Tâm), "Dân Nam ơi nhớ ơn Cụ Hồ" (Lưu Bách Thụ), "Bé yêu già Hồ" (Đỗ Nhuận) và trong suy nghĩ của tác giả, là phải tìm được từ nào đó xưng hô với Chủ tịch Hồ Chí Minh thân mật nhất, kính yêu nhất. Thế là hai tiếng Bác Hồ lần đầu tiên được đưa vào bài hát và được nhấn nhiều lần "Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng", đây cũng là dấu ấn tạo nên sự thành công của bài hát.

Ngày 19/5/1946, lễ kỷ niệm ngày sinh nhật Bác lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội. Các cháu thiếu nhi Thủ đô đến chúc thọ Bác tại Phủ Chủ tịch (Nhà khách Chính phủ bây giờ). Lần đầu tiên các cháu trình diễn tập thể bài hát "Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng" kính tặng Người. Khi Bác nghe đến câu hát: "Bác nay tuy đã già rồi, già rồi nhưng vẫn vui tươi", Bác cười và nói: "Bác đã già đâu, Bác mới 56 tuổi"! Mọi người người đến dự sinh nhật Bác đều vui với lời nói dí dỏm của Bác.

Bài hát "Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng" ra đời như vậy. Bài hát đã được chọn là một trong những bài hát hay nhất của thế kỷ XX./. 

Minh Hoàng
(website Tổ Quốc)