Mồi lửa giữa giếng dầu Sudan

ANTĐ - Việc Sudan công nhận Nam Sudan - quốc gia độc lập non trẻ nhất, thành viên thứ 194 của Liên hợp quốc không xua tan được những lo ngại nảy sinh.

Các nhà lãnh đạo của Bắc Sudan và Nam Sudan vẫn chưa thống nhất về một loạt vấn đề, trong đó quan trọng nhất là đường biên giới, quyền sở hữu khu vực Abyei đang bị tranh chấp và cách phân chia các khoản thu từ dầu mỏ - nguồn sống của cả hai nền kinh tế. Các nhà phân tích lo ngại chiến tranh sẽ trở lại nếu những mâu thuẫn giữa hai miền Nam-Bắc không được giải quyết.

Xung đột tiềm ẩn

Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir đã đứng cạnh Tổng thống Sudan Omar Hassan al-Bashir - kẻ thù của ông trong cuộc nội chiến, hiện lãnh đạo miền Bắc - tại buổi lễ đánh dấu ngày thành lập đất nước Nam Sudan mới. Sự hiện diện của ông Bashir trong sự kiện Nam Sudan độc lập được coi là một cử chỉ quan trọng thể hiện sự thiện chí. Ông Bashir cũng đã có bài phát biểu chúc mừng đất nước Nam Sudan mới và khẳng định: “Nguyện vọng của người dân Nam Sudan phải được tôn trọng, cả hai nước (Nam Sudan và Bắc Sudan) phải duy trì hòa bình”.

Thế nhưng cũng trong ngày 9-7, tại Khartoum, có một dấu hiệu đáng lo ngại. Đó là sự biến mất của một số nhật báo có quan hệ với Phong trào Giải phóng Nhân dân Sudan và các báo tiếng Anh. Bắc Sudan cho biết họ đã tạm ngừng xuất bản các báo này hôm 8-7 vì chúng do những người miền Nam xuất bản hoặc sở hữu. Trước đó một ngày đã diễn ra một sự kiện khiến các nhà quan sát hết sức lo ngại. Chính phủ Bắc Sudan đã đơn phương công bố bản đồ quốc gia mới, gộp cả khu vực đang tranh chấp Abyei.

 
Liệu người dân Nam - Bắc Sudan đã thoát khỏi thân phận nạn nhân của những vụ xung đột gây đau thương, mất mát? 

Trong lịch sử, hai miền Nam-Bắc Sudan vốn là hai không gian văn hóa khác nhau, miền Bắc là khu vực của người Hồi giáo, trong khi miền Nam là khu vực của những người phi Hồi giáo. Từ khi giành được độc lập, Chính phủ Trung ương của Cộng hòa Sudan luôn nắm trong tay các tín đồ Hồi giáo ở miền Bắc, họ tiến hành áp đặt Luật Hồi giáo hà khắc đối với những người không theo đạo Hồi ở miền Nam. Hành động này đã luôn vấp phải sự phản ứng mãnh liệt của miền Nam, đây chính là lý do Sudan phải hứng chịu hai cuộc nội chiến Nam - Bắc tàn khốc trong nửa thế kỷ qua.

Góp phần khơi sâu mâu thuẫn là chính sách kinh tế không bình đẳng. Vào cuối thế kỷ trước, Sudan phát hiện rất nhiều giếng dầu mỏ, có tới 80% trong số đó nằm tại khu vực miền Nam nghèo khó. Miền Nam có nhiều mỏ dầu lớn, song miền Bắc lại kiểm soát đường ống dẫn dầu độc nhất cho phép chuyển dầu thô đến cảng Sudan trên Hồng Hải. Khi phân phối lợi ích có được từ dầu lửa, Chính phủ Cộng hòa Sudan lại luôn ưu tiên đối với miền Bắc, điều này đã khiến người dân miền Nam rất bất mãn.

Để tránh viễn cảnh tồi tệ

Viễn cảnh tồi tệ nhất đó là sự sụp đổ hoàn toàn mối quan hệ hai miền Nam - Bắc và trở lại nội chiến từng khiến khoảng 2 triệu người thiệt mạng và buộc 4 triệu người khác phải rời khỏi đất nước trước khi đạt được thỏa thuận hòa bình năm 2005. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, khả năng cao hơn là nổ ra xung đột ở các bang dọc theo đường biên giới chung. Chiến tranh kéo dài tại cả hai khu vực trên có thể dẫn đến một cuộc nổi loạn đầy đau thương khác kéo dài như tại Darfur. Cùng với đó là những lo ngại về hành động bạo lực tự phát, quy mô nhỏ cũng có khả năng leo thang trở thành xung đột.

Hiện việc phân chia doanh thu từ dầu mỏ vẫn đang đe dọa Sudan. Hai bên vẫn chưa nhất trí được cách thức phân chia số của cải này. Một vấn đề khác là không hề có thỏa thuận về phân chia dầu mỏ vốn chiếm tới 68% nguồn thu ngân sách ở miền Bắc và 98% của miền Nam. Cùng với đó, biên giới giữa miền Bắc và miền Nam vẫn chưa được hoạch định. Điều này rất nghiêm trọng vì các vùng biên giới cũng là các vùng có dầu mỏ. Hơn nữa, trong vấn đề liên quan đến quy chế công dân, không một biện pháp đặc biệt nào được đưa ra trong khi hơn 2 triệu người miền Nam sống ở miền Bắc và nhiều người di cư miền Bắc thường chuyển xuống miền Nam sinh sống trong mùa khô. Và một điều cũng hết sức quan trọng nữa là việc phân chia món nợ gần 39 tỷ USD.

Nguy cơ mang tính tiềm ẩn của quốc gia châu Phi tựu trung lại cũng là do tài nguyên thiên nhiên phong phú, song kinh tế lại hết sức lạc hậu, cuộc sống của người dân vô cùng khổ cực, không được hưởng thụ những lợi ích tốt đẹp mà nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú mang lại. Khi tình trạng này tồn tại trong một thời gian dài, tất sẽ dẫn đến sự bất bình của người dân và điều này dễ bị một số nhân vật chính trị lợi dụng, sản sinh ra chủ nghĩa li khai. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà phân tích đều đồng ý rằng, phát triển kinh tế là con đường cơ bản để giải quyết chủ nghĩa li khai.