Mối lo ngại "bóng ma" vũ khí hạt nhân trỗi dậy

ANTD.VN - Trong khi cộng đồng quốc tế kêu gọi giải trừ vũ khí hạt nhân để thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt này vĩnh viễn rời khỏi đời sống nhân loại thì giữa các cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới lại bùng lên cuộc tranh cãi đầy nguy hiểm, làm dấy lên mối lo ngại về nỗi ám ảnh vũ trang hạt nhân.

Mối lo ngại "bóng ma" vũ khí hạt nhân trỗi dậy ảnh 1Máy bay ném bom chiến lược tàng hình B-2 là 1 trong 3 trụ cột tấn công hạt nhân của Mỹ 

Phát biểu trước báo giới ngày 4-2, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cho rằng, châu Âu cần phải đi đầu trong việc thúc đẩy giải trừ vũ khí hạt nhân, sau khi Chính phủ Mỹ vừa đề xuất nâng cấp và mở rộng kho vũ khí hạt nhân của nước này. Ngoại trưởng Gabriel nhận định, cũng giống như thời Chiến tranh Lạnh, châu Âu hiện đang phải đối mặt với những mối nguy hiểm từ cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới.

Những tuyên bố trên của Ngoại trưởng Đức được cho là động thái phản ứng của cường quốc châu Âu này trước việc Mỹ vừa công bố Báo cáo đánh giá tình hình hạt nhân 2018 (NPR) ngày 2-2 vừa qua. Báo cáo này bao gồm các nội dung chi tiết về tầm nhìn của quân đội Mỹ đối với các mối đe dọa hạt nhân cũng như phản ứng của Washington đối với các mối đe dọa trong những thập kỷ tới. 

Điểm quan trọng nhất trong báo cáo được cho thể hiện chính sách hạt nhân dưới thới chính quyền Tổng thống Donald Trump là việc hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của nước Mỹ để cho phép sử dụng chúng một cách “linh hoạt” hơn. Theo đó, Mỹ sẽ xem xét phát triển vũ khí hạt nhân mới có kích thước nhỏ, giải phóng năng lượng thấp nhằm đảm bảo ưu thế quân sự trước các cường quốc đối địch.

Có thể thấy ngay rằng với quan điểm “sử dụng linh hoạt vũ khí hạt nhân kích thước nhỏ”, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã thay đổi hoàn toàn chính sách hạt nhân so với các chính quyền tiền nhiệm. Các Tổng thống Mỹ trước đây mà gần nhất là Tổng thống Barack Obama luôn công khai cam kết theo đuổi “một thế giới không có vũ khí hạt nhân” và tuyên chỉ cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân “trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng” để bảo vệ lợi ích sống còn của nước Mỹ hoặc các đồng minh và đối tác.

Tuy nhiên, nay với chính sách hạt nhân được đánh giá “xa lạ so với các chính quyền tiền nhiệm”, chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ không loại trừ khả năng tiến hành các cuộc tấn công hạt nhân để đáp trả các tình huống không phải là tấn công hạt nhân như một cuộc tấn công mạng nhằm vào các cơ sở hạ tầng thiết yếu của Mỹ. Đòn “tấn công hạt nhân linh hoạt” dưới chính quyền hiện nay tiếp tục dựa trên 3 trụ cột hạt nhân của Washington, gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và máy bay ném bom chiến lược.  

Chính sách hạt nhân mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump ngay sau khi chính thức công bố đã làm dấy lên mối quan ngại sâu sắc trên thế giới, đặc biệt là những đối tượng tác chiến hàng đầu của Washington như Nga và Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường ngày 4-2 tuyên bố nước này phản đối mạnh mẽ NPR và cho rằng nước Mỹ cần từ bỏ “tâm lý Chiến tranh Lạnh”.

Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề quốc tế của Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Leonid Slutsky tuyên bố, NPR rất nguy hiểm và có thể dẫn tới một giai đoạn chạy đua vũ trang mới trên thế giới. Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và an ninh thuộc Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Frants Klintsevich khẳng định, Matxcơva phải luôn sẵn sàng phản ứng nhanh chóng trước khả năng Mỹ và NATO triển khai vũ khí hạt nhân tại các căn cứ ở Đông Âu và khu vực Baltic như NPR mà chính quyền Washington mới công bố.