Mối lo khi "chảy máu" nhân dân tệ

ANTD.VN - Quyết định của nhà tài phiệt Trung Quốc Tào Đức Vượng đầu tư một nhà máy trị giá 600 triệu USD tại bang Ohio, Mỹ, cho thấy khó khăn của Bắc Kinh trong việc ngăn dòng vốn chảy ra nước ngoài.

Mối lo khi "chảy máu" nhân dân tệ ảnh 1Nhà tài phiệt Tào Đức Vượng và một nhà máy chế tạo kính tại Trung Quốc

Là nhà xuất khẩu kính ô tô lớn nhất thế giới, Tập đoàn kính công nghiệp Fuyao của nhà tài phiệt 70 tuổi Tào Đức Vượng cung cấp mặt hàng cho những hãng ô tô lớn trên thế giới như Volkswagen, General Motors. Riêng năm 2015, Fuyao thu lợi nhuận gần 400 triệu USD. Dự kiến, nhà máy của ông Tào Đức Vượng ở Ohio sẽ thuê 2.000 công nhân và con số này sẽ lên đến 3.000 người khi toàn bộ nhà máy đi vào sản xuất.

Từ một nước nhận nhiều tỷ USD đầu tư nước ngoài, hiện Trung Quốc đã trở thành một nước lớn chuyên đầu tư ra nước ngoài, kể cả lĩnh vực có giá trị gia tăng cao như nghiên cứu và phát triển (R&D). Theo thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2016, các khoản đầu tư nước ngoài của doanh nghiệp Trung Quốc đạt 145,9 tỷ USD, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước.

Riêng với Mỹ, theo một báo cáo của Công ty luật Baker & McKenzi và Công ty tư vấn Rhodium Group, trong năm 2015, lượng vốn đầu tư mà Trung Quốc rót vào Mỹ tăng 17%, từ mức 12,8 tỷ USD lên 15 tỷ USD. New York,  California và Texas là các bang nhận nhiều vốn đầu tư nhất từ Trung Quốc. Riêng New York nhận 5,4 tỷ USD vốn Trung Quốc trong năm ngoái, chủ yếu nằm ở 3 thỏa thuận lớn về tài chính và bất động sản.

Tuy nhiên, xu thế này hiện đang gặp lực cản từ phía chính quyền Trung ương. Sau một thời gian triển khai Chiến lược “vươn ra toàn cầu”, Trung Quốc bắt đầu siết chặt dòng vốn đầu tư chảy ra nước ngoài. Trong bối cảnh nền kinh tế đang chững lại và đồng nhân dân tệ bị rơi xuống mức thấp nhất từ 8 năm nay, giảm 6% so với USD trong 10 tháng đầu năm 2016, Chính phủ Trung Quốc dự kiến sẽ đưa ra một vài biện pháp mới nhằm kiểm soát việc các doanh nghiệp trong nước đầu tư ra nước ngoài.

Dẫn một bản báo cáo của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC), tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) của Hồng Kông, Trung Quốc, cho biết, Bắc Kinh sẽ cấm hầu hết những kế hoạch đầu tư trên 10 tỷ USD. Nước này cũng không hưởng ứng những dự án trên 1 tỷ USD không đúng theo chuyên môn của doanh nghiệp xin đầu tư. Hệ quả là các công ty và nhà đầu tư Trung Quốc bắt đầu cảm thấy hoạt động khó khăn hơn.

Liên quan đến quyết định đưa nhà máy qua Mỹ của ông Tào Đức Vượng, hiện dự án của ông Tào đang gặp phải làn sóng phản đối dữ dội từ cư dân mạng Trung Quốc. Cụm từ “Tào Đức Vượng đang trốn chạy” trở nên rất nóng, thu hút hơn 10 triệu lượt xem trên mạng xã hội Weibo và rất nhiều người bình luận mong muốn “Trung Quốc đừng để Tào Đức Vượng trốn chạy”.

Phản ứng trước dư luận, ông Tào nói: “Tôi không trốn chạy. Tôi là doanh nhân và chỉ đang kinh doanh tại Mỹ. Tôi chỉ muốn nhắc Chính phủ rằng thuế và giá nhân công đang quá cao”. Theo ông Tào, so với cách đây 4 năm, giá nhân công ở Trung Quốc đã tăng gấp 3. Trong khi đó, phí vận chuyển tại Mỹ chỉ vào khoảng 1 Nhân dân tệ cho 1km, thấp hơn nhiều so với ở Trung Quốc. Ông Tào cũng lo ngại khả năng thuế có thể cũng sẽ tăng cao sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ D. Trump đe dọa sẽ tăng thuế nhập khẩu đến 45% với các mặt hàng sản xuất từ Trung Quốc.

Hiện chưa có bình luận nào từ phía Bắc Kinh liên quan đến dự án của ông Tào. Chỉ có tờ Nhân dân nhật báo bình luận rằng việc ông Tào đầu tư sang Mỹ là “các doanh nghiệp dám nói lên các vấn đề có nghĩa là họ vẫn còn tin tưởng vào nền kinh tế Trung Quốc”.