Mối đe dọa với trật tự thương mại toàn cầu

ANTD.VN - Tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể rút nước này khỏi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đồng thời công kích hệ thống thương mại quốc tế đang đặt trật tự thương mại toàn cầu trước nguy cơ sụp đổ. 

Mối đe dọa với trật tự thương mại toàn cầu ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố kế hoạch áp thuế lên nhiều mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc hôm 22-3-2018

Phát biểu trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg tại phòng Bầu dục hôm 30-8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa: “Nếu họ không cải thiện, tôi sẽ rút (nước Mỹ) khỏi WTO”. Theo Tổng thống Donald Trump, Mỹ gặp nhiều bất lợi với việc bị WTO đối xử “rất tồi tệ” trong nhiều năm, đồng thời cho rằng tổ chức này nên “thay đổi phương pháp”.

 Từ sau Thế chiến thứ hai, các đời Tổng thống Mỹ liên tục đi đầu trong việc thiết lập và củng cố các quy định thương mại toàn cầu, khẳng định điều này giúp mang lại sự ổn định cho nền kinh tế thế giới. Mở đầu từ các định chế Bretton Woods và sau này là sự ra đời của WTO vào năm 1994, tự do và công bằng trong thương mại giữa các quốc gia từng bước được định hình. Các thành viên WTO đều đồng ý giải quyết tranh chấp thương mại qua các hội đồng của WTO.

Tuy nhiên, các quy định của WTO dường như đang trở nên vô hiệu lực trước bối cảnh các nước lớn tìm mọi cách bảo vệ lợi ích quốc gia, kéo theo nghi ngờ về vai trò của WTO trong duy trì ổn định thương mại quốc tế. Với Mỹ, ngay từ trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ, với khẩu hiệu “nước Mỹ trên hết”, ông Donald Trump đã mô tả WTO là một “thảm họa” và tuyên bố Mỹ có thể rút khỏi tổ chức này. Sau khi lên nắm quyền, thái độ cứng rắn của ông Donald Trump càng rõ hơn, nhất là với đối thủ cạnh tranh Trung Quốc.

 Năm 2001, khi Trung Quốc gia nhập thành công WTO, cả thế giới cùng lao vào thị trường đông dân nhất thế giới này. Dòng đầu tư khổng lồ, mà một phần không nhỏ là của Mỹ, tràn vào Trung Quốc, làm xuất hiện hàng triệu nhà máy sản xuất ra những sản phẩm mà sau đó được đưa tới mọi ngóc ngách trên thế giới. Ai cũng vui mừng trước những khoản lợi nhuận hậu hĩnh.

Nhưng nay, Mỹ ngày càng thường xuyên cáo buộc Trung Quốc áp dụng luật bất thành văn ép các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ  nếu muốn có hợp đồng với các đối tác Trung Quốc, nhất là với các doanh nghiệp Nhà nước, dẫn tới việc nhiều ý tưởng công nghệ của Mỹ bị Trung Quốc đánh cắp. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới các vụ áp thuế trừng phạt của Mỹ với hàng hóa của Trung Quốc trị giá cả trăm tỷ USD.

Washington cũng không hài lòng trước thực tế Mỹ thua đến 90% những vụ khởi kiện nhằm vào quốc gia này tại WTO, điều mà Mỹ cho là “không công bằng”. Tuy nhiên, theo số liệu từ Viện nghiên cứu Cato có trụ sở tại Washington, Mỹ cũng thắng đến 90% vụ kiện do nước này khởi xướng tại WTO.

Chưa biết các sự việc trên phân xử đúng sai thế nào nhưng có điều rõ ràng là Washington ngày càng không muốn bị phụ thuộc vào các quy tắc của WTO. Ông Donald Trump và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã công khai tuyên bố sẽ theo đuổi đường lối cứng rắn để bảo vệ các lợi ích của Mỹ trong toàn cầu hóa, cho dù có phải làm lung lay các nguyên tắc đã được bảo đảm trong khuôn khổ của WTO.

Những bước đi đó của chính quyền Tổng thống Donald Trump đã biến WTO, từ tổ chức quốc tế quan trọng nhất thế giới về thương mại, trở thành một lựa chọn “để cho có” và các quốc gia có thể xé bỏ cam kết với WTO bất cứ lúc nào nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia của mình. Việc này có thể làm giảm uy tín của WTO và khiến nhiều quốc gia chọn cách tự giải quyết vấn đề. 

Nhưng nếu Mỹ thay đổi luật chơi, hoặc rút khỏi WTO như đe dọa của Tổng thống Donald Trump, thì các nước khác cũng có quyền tương tự và áp dụng quyền trừng phạt thương mại với Mỹ. Trật tự thương mại toàn cầu sẽ đổ vỡ và chủ nghĩa bảo hộ sẽ bùng phát trở lại, xóa bỏ mọi nỗ lực mà thế giới đã theo đuổi trong hơn nửa thế kỷ qua.