Mối đe dọa trên Biển Đông

ANTĐ - Không chỉ quốc gia ở châu Á là Nhật Bản mà Hà Lan, nước sắp tiếp quản vị trí Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) cũng “đứng ngồi không yên” trước mối đe dọa tới hòa bình, ổn định và an ninh trên Biển Đông do Trung Quốc gây ra.

Mối đe dọa trên Biển Đông ảnh 1Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (bên phải) và Thủ tướng Hà Lan Mark  Rutte cũng bày tỏ lo ngại về những hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng trên Biển Đông

Trong tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc gặp ở Thủ đô Tokyo ngày 11-11, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte bày tỏ quan ngại về bất cứ hành động đơn phương nào, trong đó có việc sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, cũng như ép buộc nhằm làm thay đổi hiện trạng, gây căng thẳng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hà Lan cùng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc giải quyết các tranh chấp trên biển một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế. 

Rất dễ hiểu vì sao mà cả quốc gia liên quan trực tiếp như Nhật Bản cũng như quốc gia ở châu Âu như Hà Lan cùng lo ngại về những mối đe dọa nghiêm trọng tới an ninh và tự do hàng hải ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Hà Lan không chỉ là một trong những nước phụ thuộc lớn vào vận tải biển khi có đội tàu viễn dương cũng như cảng biển sầm uất bậc nhất thế giới, mà còn là quốc gia sắp đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch luân phiên của EU, liên minh đang rất quan tâm tới Biển Hoa Đông và Biển Đông của châu Á.

Những mối lo ngại về an ninh, về tự do hàng hải trên Biển Hoa Đông và đặc biệt là trên Biển Đông, ngày càng gia tăng cùng với những yêu sách “đường lưỡi bò”, “đường 9 đoạn” nuốt tới 80% diện tích Biển Đông cùng những hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc nhằm hiện thực hóa đòi hỏi chủ quyền phi lý này. Trong đó, đáng lo ngại nhất là việc Trung Quốc từ đầu năm 2015 này đã ráo riết tiến hành tôn tạo trái phép các bãi đá mà họ cưỡng chiếm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành các đảo nổi nhân tạo hòng toan tính thay đổi nguyên trạng trên Biển Đông.

Cộng đồng quốc tế đã phản đối, lên án và bác bỏ toan tính thay đổi nguyên trạng trên Biển Đông của Trung Quốc. Mỹ - cường quốc tuyên bố là một quốc gia châu Á-Thái Bình Dương và có lợi ích sống còn tại khu vực chiến lược này - đã đưa tàu khu trục mang tên lửa vào tuần tra trong khu vực 12 hải lý quanh đảo bồi đắp nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa - nơi Trung Quốc đang chiếm giữ phi pháp, để  răn đe những hoạt động nhằm thay đổi hiện trạng trên Biển Đông của Bắc Kinh.

Nhật Bản trước những toan tính thay đổi hiện trạng và quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông đã ngỏ ý xem xét việc tiến hành tuần tra chung với hải quân Mỹ ở vùng biển mà mà Tokyo cho rằng “vô cùng quan trọng với Nhật Bản” này. Việc để ngỏ khả năng Nhật cùng Mỹ tuần tra chung trên Biển Đông được các nhà phân tích hết sức chú ý. Giới quan sát cho rằng, Tokyo đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ, đó là Trung Quốc cần tôn trọng an ninh và tự do hàng hải ở Biển Đông, nơi qua lại hàng ngày của các tàu chở dầu cỡ lớn tiếp “dinh dưỡng” cho nền kinh tế Nhật Bản.

An ninh và tự do hàng hải trên vùng biển có tới 40% tổng lượng hàng hóa vận tải biển toàn cầu như Biển Đông cũng có ý nghĩa sống còn với EU, cho dù các quốc gia thành viên liên minh này ở cách đó hàng nghìn km. Ngay trước khi Hà Lan trở thành Chủ tịch EU luân phiên trong nửa đầu năm 2016, đại diện cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại EU Federica Mogherini ngày 6-11 vừa qua đã tuyên bố liên minh phản đối bất cứ ý đồ nào nhằm đòi chủ quyền lãnh thổ hoặc lãnh hải thông qua hăm dọa, ép buộc, sử dụng vũ lực hay bất cứ hành động đơn phương nào trên Biển Đông.