Mờ mịt bến bờ phương Tây với Ukraine

ANTD.VN - Mong mỏi gia nhập liên minh quân sự NATO cũng như EU xem ra ngày càng mờ mịt với Ukraine khi chính Kiev lên tiếng thừa nhận quốc gia thuộc Liên Xô (cũ) này chưa sẵn sàng gia nhập 2 tổ chức phương Tây này.

Mờ mịt bến bờ phương Tây với Ukraine ảnh 1Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko (bên trái) trao đổi với Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg, song cánh cửa vào liên minh quân sự này còn cách xa Kiev

Trả lời phỏng vấn truyền hình ngày 8-1, Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin cho biết, nước này chưa sẵn sàng gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) trong vòng 5 năm tới do tình hình trong nước còn nhiều bất ổn. Ông Pavlo Klimkin nói rõ thêm rằng, với tình hình hiện tại, Ukraine sẽ không gia nhập EU trong vòng 1, 2 hoặc 5 năm tới và nếu ai đó cho rằng Kiev gia nhập liên minh quân sự này trong vòng 1 hoặc 2 năm tới thì “đừng tin họ” bởi đây là “điều vô lý và dễ gây hiểu lầm”.  

Tuyên bố kém lạc quan, nếu không muốn nói là bi quan, của người đứng đầu cơ quan hoạch định chính sách đối ngoại của Ukraine xem ra trái ngược với mong mỏi và nỗ lực của Kiev nhiều năm qua nhằm sớm gia nhập 2 tổ chức phương Tây là NATO và EU. Ukraine sau khi tách khỏi Liên Xô trước đây, tuyên bố độc lập và nhất là căng thẳng quan hệ với Nga, đã công khai thúc đẩy việc gia nhập NATO và EU trong thời gian sớm nhất có thể, coi đó là chỗ dựa để “đấu” lại Mátxcơva.

Nỗ lực sớm gia nhập 2 tổ chức phương Tây được Kiev đặc biệt đẩy mạnh sau khi Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko lên cầm quyền vào tháng 5-2014. Tháng 12-2014, Quốc hội Ukraine đã sửa đổi 2 đạo luật cho phép nước này từ bỏ quy chế không liên kết, việc làm mở đường cho việc đàm phán để trở thành thành viên của NATO. Đến tháng 6-2017, Quốc hội Ukraine tiếp tục thông qua các dự thảo sửa đổi của Tổng thống Poroshenko quy định việc xin gia nhập NATO là một ưu tiên đối ngoại của Ukraine.

Với EU, Ukraine cũng đã ký với liên minh này hiệp định về liên kết vào tháng 6-2014 nhằm thiết lập quan hệ liên kết chính trị và kinh tế giữa hai bên. Dù thỏa thuận này chưa kèm theo quyền gia nhập EU và công dân Ukraine cũng không có quyền sống cũng như làm việc ở EU, song cũng tạo cơ sở cho tiến trình đàm phán để Kiev có thể sớm gia nhập tổ chức này.

Ý muốn chính trị của chính quyền Ukraine là vậy, thế nhưng thực tế lại hoàn toàn không như mong muốn của Kiev. Ngay khi bắt tay tìm hiểu cụ thể, Kiev đã thấy quá khó để đáp ứng đủ các điều kiện cần thiết để gia nhập NATO và EU vào thời điểm hiện nay cũng như tương lai không phải gần.

NATO vào tháng 3-2018 đã trao cho Ukraine quy chế quốc gia có nguyện vọng gia nhập liên minh, tức chính thức công nhận ý nguyện của Kiev trở thành thành viên của NATO, nhưng quốc gia này phải đáp ứng vô số điều kiện cần thiết mới được công nhận là thành viên đầy đủ của liên minh quân sự này. Chưa nói tới việc đóng góp ngân sách, tham gia các sứ mệnh toàn cầu… ngay việc đáp ứng điều kiện không có xung đột trong nước cũng là điều kiện mà chẳng biết khi nào Kiev mới đáp ứng nếu nhìn vào cuộc xung đột hiện nay ở miền Đông Ukraine. Theo  như nhìn nhận của cựu Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen, mục tiêu gia nhập NATO của Ukraine “khó đạt được trong vòng 20 năm tới”.

Tương tự là con đường dài đằng đẵng với không biết bao nhiêu trở ngại mà Ukraine phải vượt qua để có thể bước qua cánh cửa vào “ngôi nhà chung” EU. Như nhìn nhận của các chuyên gia, Ukraine hay bất kỳ quốc gia nào muốn gia nhập liên minh kinh tế và chính trị này đều phải trả qua tiến trình đàm phán phức tạp kéo dài nhiều năm, trải rộng trên 35 nhóm vấn đề từ kinh tế, năng lượng, pháp quyền, tham nhũng, nhân quyền... với sự thay đổi cơ bản về hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách trong nước.

Tuyên bố kém lạc quan về triển vọng gia nhập NATO và EU của Ngoại trưởng Ukraine vì thế là sự thừa nhận một triển vọng mờ mịt dễ thấy với dư luận.