Malaysia lo ngại IS chế tạo bom từ vật liệu phóng xạ

ANTD.VN -Ngày 2/1, trang mạng Straits Times đưa tin, các cơ quan chức năng của Malaysia đang ngày càng lo ngại về nguy cơ các phần tử của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và những kẻ ủng hộ nhóm này có thể tìm cách chế tạo bom bẩn từ các vật liệu phóng xạ.

Mối quan ngại này càng có cơ sở khi cảnh sát ghi nhận không dưới 20 vụ mất cắp vật liệu phóng xạ và hạt nhân trong những năm gần đây, nhiều vụ trong số này cho đến nay vẫn chưa tìm ra. Lực lượng đặc biệt chống khủng bố của cảnh sát hoàng gia Malaysia đang tích cực phối hợp với cảnh sát điều tra để truy tìm gắt gao số vật liệu phóng xạ bị mất này. Các nguồn tin từ các cơ quan an ninh cho biết điều này là rất quan trọng đối với Chi nhánh đặc biệt chống khủng bố Bukit Aman trong việc tìm lại số phóng xạ bị mất.

Malaysia lo lắng IS chế tạo bom bẩn từ các vụ mất cắp nguyên liệu phóng xạ

Các mối quan ngại về an ninh tại Đông Nam Á đã tăng lên kể từ năm 2016, khi lực lượng an ninh Indonesia chặn đứng âm mưu của các phần tử khủng bố chế tạo bom bẩn phóng xạ. Các phần tử này đã âm mưu chuyển đổi Thorium 232 hàm lượng thấp thành Urani 233 để chế tạo một bom hạt nhân. 

Tổng giám đốc cơ quan Cấp phép năng lượng nguyên tử (AELB) Malaysia, ông Hamrah Mohd Ali cảnh báo, nhà chức trách không được đánh giá thấp trình độ và khả năng của các phần tử khủng bố sử dụng vật liệu phóng xạ để chế tạo bom bẩn. Theo ông Hamrah, AELB cũng rất quan ngại vấn đề này do đã nhiều lần phát hiện các vật liệu phóng xạ bị bỏ rơi có nguồn gốc và mục đích không rõ ràng. 

Tổng giám đốc cơ quan Cấp phép năng lượng nguyên tử (AELB) Malaysia, Hamrah Mohd Ali ( hàng trên, ở giữa)

Để đảm bảo rằng các vật liệu độc hại không tràn vào Malaysia, ông Hamrah cho biết, AELB đã trang bị các máy dò tại các cảng của quốc gia và tại các cửa khẩu vào Bukit Kayu Hitam, Durian Burung, Rantau Panjang và Pandang Besar. Các thiết bị phát hiện phóng xạ cũng trang bị tại tất cả các sân bay quốc tế. Lực lượng Hải quan Malaysia được huấn luyện để phát hiện và xử lý các trường hợp liên quan đến phóng xạ.

Bộ luật tố tụng hình sự và Đạo luật về buôn bán vũ khí chiến lược 2010 của Malaysia quy định hình phạt tử hình đối với việc sử dụng nguyên liệu phóng xạ và hạt nhân vì mục đích hình sự và làm chết người.