"Mafia Nigeria" lạm dụng phụ nữ châu Phi ở châu Âu như thế nào?

ANTD.VN - Gần đây người bắt đầu nhắc đến hiện tượng “mafia Nigeria” mới ở châu Âu. Không giống như mafia Italia, cả thủ phạm và nạn nhân của “mafia Nigeria” đều đến từ nước ngoài và thường sống bên lề xã hội. Cái gọi là “mafia mới” của Nigeria không phải là một tổ chức duy nhất mà là nhiều nhóm bí mật và các băng đảng tội phạm, như Black Axe, Vikingsor Supreme Eiye Fraternity.

"Mafia Nigeria" lạm dụng phụ nữ châu Phi ở châu Âu như thế nào? ảnh 1Phụ nữ trẻ châu Phi có gia cảnh khó khăn rất dễ trở thành “mồi ngon” cho tội phạm buôn người

61% nạn nhân buôn người châu Phi là người Nigeria

Một trong những khu phố đèn đỏ lớn nhất của Đức là Vulkan Street ở Duisburg, một thành phố phía Tây Bắc nước Đức vốn là một trung tâm công nghiệp trước đây. Ngày càng có nhiều phụ nữ Nigeria, là nạn nhân của tội phạm buôn người được đưa về đây. Barbara Wellner thuộc tổ chức Đoàn kết phụ nữ gặp nạn (Solwodi) chuyên trợ giúp các nạn nhân buôn người và bị cưỡng ép làm gái mại dâm cho hay, nhiều phụ nữ trong số này tuổi đời còn trẻ, số phận thiệt thòi, “hầu như không được đi học hoặc gia cảnh khó khăn”.

Những người phụ nữ dễ bị tổn thương như vậy thường rơi vào tay những kẻ buôn người ở châu Phi, qua một mạng lưới rộng lớn cho đến khi cuối cùng tới nước Đức. Ở đó, họ thường rơi vào tay các “tú bà” môi giới mại dâm. 

“Người châu Âu luôn muốn có gái mại dâm trẻ hơn, rẻ hơn. Họ đang thèm những thứ bị cấm như ma túy, gái mại dâm chưa đủ tuổi và các băng đảng Nigeria chỉ đơn thuần đáp ứng nhu cầu đó. Chừng nào nhu cầu này còn tồn tại, các nhóm bí mật như Black Axe và những người khác sẽ tiếp tục thành công và kiếm được nhiều tiền”

John Omoruan (Cựu thành viên băng đảng Black Axe)

Trước khi đến châu Âu, những người phụ nữ này được thông báo rằng hành trình của họ sẽ tốn kém, nhưng không thành vấn đề, vì họ sẽ kiếm được nhiều tiền ở châu Âu. Để tạo áp lực cho các cô gái trẻ phải kiếm tiền trả nợ, bọn buôn người thường bắt các nạn nhân của mình thề thốt trong buổi lễ sử dụng phép thuật juju có truyền thống từ Tây Phi. Những người phụ nữ đó bị dọa rằng người thân của họ sẽ chết hoặc bị bệnh nếu họ không trả được nợ hoặc kể với bất kỳ ai về đường dây. Và một khi đặt chân đến châu Âu, nơi đất khách quê người, các nạn nhân thấy rằng bán dâm là cách duy nhất để có thể kiếm tiền trả nợ.

Năm 2018 cảnh sát Đức đã ghi nhận 68 phụ nữ là nạn nhân của những kẻ buôn người Nigeria - một sự gia tăng đáng kể trong năm trước đó. Phụ nữ Nigeria chiếm 61%, tỷ lệ lớn nhất trong số nạn nhân buôn người châu Phi. Năm ngoái, 41 nghi phạm buôn người Nigeria cũng bị bắt, gần gấp đôi so với năm 2017, theo Văn phòng Cảnh sát Hình sự Liên bang Đức.

Nhiều nhóm bí mật và băng đảng tội phạm

Nhưng nhức nhối hơn cả vẫn là người nhập cư châu Phi ở Italia, cửa ngõ từ châu Phi sang châu Âu. Trong 3 năm qua, hơn 20.000 phụ nữ Nigeria, nhiều người trong số họ là trẻ vị thành niên, đã đến Italia qua Địa Trung Hải. Liên hợp quốc ước tính rằng khoảng 80% là nạn nhân hoặc có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của nạn buôn người.

Helen Okoro từng là nạn nhân của những kẻ buôn người. Cô đến Italia tới nay đã được 20 năm và hiện đang làm việc cho Casa Agata, một nơi trú ẩn dành cho phụ nữ ở thành phố Catania của Sicilia. Ở đây, các cô gái được hỗ trợ học nghề để có thể thoát khỏi cảnh phải làm gái “đứng đường”. Tuy vậy, có quá nhiều phụ nữ đề nghị trợ giúp nên các thành viên của nhóm gần như không thể theo kịp. 

Gần đây người ta bắt đầu nhắc đến hiện tượng “mafia Nigeria” mới. Không giống như mafia Ý, cả thủ phạm và nạn nhân của “mafia Nigeria” đều đến từ nước ngoài và thường sống bên lề xã hội. Cái gọi là “mafia mới” của Nigeria không phải là một tổ chức duy nhất mà là nhiều nhóm bí mật và các băng đảng tội phạm, như Black Axe, Vikingsor Supreme Eiye Fraternity. Hơn 50 nhóm bí mật hiện đang hoạt động tại Nigeria và người ta biết rất ít về cơ cấu tổ chức của chúng. 

Ở Nigeria, Cơ quan quốc gia về cấm buôn bán người (NAPTIP) là lực lượng chủ đạo truy bắt những kẻ buôn người. Daniel Atokolo, người đứng đầu chi nhánh NAPTIP tại Thủ đô Lagos cho hay, trong khi người Tây Phi không còn mê tín tin vào phép thuật juju, các “tú bà” ở châu Âu hiện chủ yếu dùng đến bạo lực, thay vì gây áp lực tâm lý của các phép thuật để kiểm soát phụ nữ trẻ bị ép làm gái mại dâm.