Lý giải quyết định hủy cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump

ANTD.VN - “Thời khắc đặc biệt cho hòa bình thế giới” đã trở thành “khoảnh khắc đáng buồn của lịch sử” khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo quyết định hủy cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ- Triều, theo kế hoạch sẽ diễn ra vào ngày 12-6 tới.

Lý giải quyết định hủy cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump ảnh 1Hình ảnh phát trên truyền hình thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) tuyên bố hủy cuộc gặp thượng đỉnh dự kiến với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un

Trong bức thư gửi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Tổng thống Mỹ lý giải cho quyết định đột ngột của mình: “Chúng tôi rất cảm kích về thời gian, sự kiên nhẫn và những nỗ lực mà Ngài dành cho các cuộc đàm phán và thảo luận về một hội nghị cấp cao được cả hai bên mong muốn từ lâu… Tôi rất mong chờ được gặp Ngài tại đó. Tuy nhiên, điều đáng buồn là sự giận dữ gay gắt và thái độ công khai thù địch mà Ngài thể hiện trong tuyên bố gần đây nhất khiến tôi cảm thấy thời điểm này là chưa phù hợp để tổ chức cuộc gặp đã được lên kế hoạch từ lâu”. 

Mặc dù vị Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ vốn nổi tiếng là người có những quyết định “phá cách”, song việc ông hủy cuộc gặp lịch sử ngay sau khi Triều Tiên thông báo đã dỡ bỏ hoàn toàn bãi thử hạt nhân Punggye-ri, động thái được đánh giá là thể hiện thiện chí của Bình Nhưỡng trước thềm cuộc gặp, đang bị coi là hành động thiếu trách nhiệm đối với tiến trình cải thiện quan hệ giữa hai nước nói riêng cũng như đối với mục tiêu thiết lập hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên nói chung. 

Vấn đề là vì sao Tổng thống Mỹ lại đột ngột đưa ra quyết định khiến cả thế giới thất vọng như vậy vào thời điểm này, có đơn thuần là do những phát ngôn thiếu thiện chí mới đây của Bình Nhưỡng?

Thứ nhất, theo nhận định của các chuyên gia, trong đánh giá của Tổng thống Mỹ, Triều Tiên chưa thực sự từ bỏ chương trình hạt nhân của nước này. Việc Bình Nhưỡng tiến hành dỡ bỏ bãi thử hạt nhân Punggye-ri, nơi từng diễn ra 6 cuộc thử nghiệm hạt nhân, có khả năng không ảnh hưởng nhiều đến chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. 

Mặt khác, trong danh sách được chứng kiến và đưa tin về việc phá hủy bãi Punggye-ri, Triều Tiên chỉ mời các phóng viên và họ chỉ được theo dõi hoạt động này từ xa, không có cơ hội thực sự nào để biết điều gì có thể đã xảy ra bên trong các đường hầm ở bãi thử Punggye-ri. Triều Tiên cũng không cho phép các chuyên gia về vũ khí hóa học và hạt nhân quốc tế đến dự buổi lễ này. 

Thứ hai và đây được cho là nguyên nhân sâu xa của vấn đề. Việc Tổng thống Mỹ hủy cuộc gặp trên cho thấy những mâu thuẫn dai dẳng và sự cách biệt quá lớn về quan điểm giữa Mỹ với Triều Tiên khiến Washington và Bình Nhưỡng khó tìm được tiếng nói chung ở thời điểm này.

Hai bên đặt ra những mục tiêu khác nhau cho cuộc gặp và có vẻ tính toán của mỗi bên chưa có “điểm chung”, đặc biệt khi cả hai tỏ rõ sẽ không nhượng bộ trong những vấn đề lợi ích cốt lõi. Phía Mỹ muốn Triều Tiên phải nhượng bộ và từ bỏ vũ khí hạt nhân vô điều kiện, có kiểm chứng và không thể đảo ngược, trong khi Bình Nhưỡng luôn coi vũ khí hạt nhân là phương tiện để bảo đảm an ninh trước mối đe dọa của Mỹ. 

Xét ở khía cạnh này, cuộc gặp thượng đỉnh vào ngày 12-6 có thể nói là chưa chín muồi và tỷ lệ thành công không nhiều. Và nếu không thành công sẽ là một thất bại ảnh hưởng lớn tới uy tín của Mỹ trên trường quốc tế cũng như sự tín nhiệm của cử tri đối với người đứng đầu nước Mỹ. Vì thế, theo các chuyên gia chính trị, hủy bỏ cuộc gặp vào thời điểm này là hợp lý nếu cả hai chưa sẵn sàng thỏa hiệp. 

Tuy nhiên, cánh cửa cho hòa bình và đối thoại vẫn chưa hoàn toàn khép lại. Tổng thống Mỹ dù tuyên bố hủy cuộc gặp ngày 12-6 tới, song vẫn để ngỏ khả năng cho một cuộc gặp trong tương lai. Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng khẳng định Mỹ vẫn cam kết đối thoại với Triều Tiên. Về phần mình, Bình Nhưỡng tỏ rõ thái độ mềm mỏng khi khẳng định vẫn sẵn sàng đàm phán với Mỹ bất cứ khi nào. Những thông điệp của cả Mỹ và Triều Tiên phần nào khiến thế giới “thở phào nhẹ nhõm” và nhen nhóm hy vọng, dù khá mong manh, về một cuộc gặp thực chất trong tương lai không xa.