Luôn hé mở cánh cửa đối thoại phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên

ANTD.VN - Tổng thống Donald Trump không muốn đóng sập mà luôn để ngỏ cánh cửa đối thoại phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên khi rút lại các lệnh trừng phạt bổ sung với Bình Nhưỡng.

Luôn hé mở cánh cửa đối thoại phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn để ngỏ cánh cửa đối thoại với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khi “bác” biện pháp trừng phạt bổ sung của Bộ Tài chính Mỹ

Vẫn trên “kênh” thông tin quen thuộc - mạng xã hội Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa đưa ra thông báo gây bất ngờ rằng, ông đã ra lệnh rút lại những biện pháp trừng phạt có liên quan đến Triều Tiên mà Bộ Tài chính Mỹ đã công bố ngày 22-3 vừa qua.

Trước đó, Bộ Tài chính Mỹ đã liệt 2 công ty tàu biển của Trung Quốc vào “danh sách đen” với cáo buộc hỗ trợ Triều Tiên né tránh các lệnh trừng phạt của Washington có liên quan đến chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, đồng thời đưa ra một bản danh sách tư vấn cập nhật về 67 tàu thuyền liên quan tới các giao dịch xăng dầu hoặc được cho là đã nhập than của Triều Tiên.

Việc Tổng thống Donald Trump đưa ra quyết định hy hữu là “bác” lệnh trừng phạt bổ sung đối với Triều Tiên đã được Bộ Tài chính công bố đã dẫn tới những dư luận, đánh giá khác nhau. Có những ý kiến cho rằng điều đó cho thấy sự mâu thuẫn, bất đồng trong nội bộ chính quyền Mỹ trong vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.

Cụ thể là phe “diều hâu” muốn dùng trừng phạt như một thứ vũ khí để buộc Triều Tiên phải hoàn toàn phi hạt nhân hóa một cách “không thể đảo ngược” và “có kiểm chứng”. Tuy nhiên, phe có quan điểm ôn hòa hơn muốn “níu giữ” Bình Nhưỡng “trong tầm tay” đàm phán chứ không muốn dùng trừng phạt như là thứ vũ khí duy nhất để buộc Triều Tiên trước hết phải thực thi phi hạt nhân hóa.

Một trong những quan chức cấp cao được cho có quan điểm cứng rắn trong chính sách đối ngoại nói chung, vấn đề Triều Tiên nói riêng là Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton. Trong tuyên bố đưa ra sau khi Bộ Tài chính Mỹ công bố biện pháp trừng phạt bổ sung với Triều Tiên, ông Bolton từng nhấn mạnh rằng các biện pháp trừng phạt mới này là “quan trọng” và “ngành hàng hải phải làm nhiều hơn để ngăn chặn các hoạt động vận chuyển bất hợp pháp của Triều Tiên”.

Thế nhưng, quan điểm ôn hòa hơn cho rằng trừng phạt và gây sức ép không phải là lựa chọn duy nhất trong vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Điều này chỉ làm cho tiến trình phi hạt nhân hóa rơi vào bế tắc, thậm chí leo thang căng thẳng trở lại nếu nhìn vào những động thái sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai vừa qua khi Bình Nhưỡng ra “chỉ dấu” có thể tiến hành thử lại tên lửa hoặc hạt nhân và mới nhất là rút nhân viên khỏi Văn phòng liên lạc chung liên Triều ở thành phố biên giới Kaesong.

Lựa chọn các giải pháp, bước đi trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên chưa bao giờ là dễ dàng với các chính quyền Mỹ trước đây cũng như chính quyền Tổng thống Donald Trump hiện nay. Song có điều đã thấy rõ là cấm vận và trừng phạt chỉ làm cho tình hình thêm căng thẳng, minh chứng là từ khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên vào năm 2006 tới nay, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã áp đặt 11 biện pháp trừng phạt bao trùm lên 4 lĩnh vực chính là thương mại, vũ khí, vận chuyển hàng hải, ngoại giao và tài chính, song đều chưa khiến Bình Nhưỡng phải lùi bước.

Gia tăng trừng phạt, theo công bố của Bộ Tài chính Mỹ, vì thế rất có thể đóng sập cánh cửa đối thoại giữa Washington và Bình Nhưỡng trong vấn đề hạt nhân vốn được mở ra từ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần đầu tiên ở Singapore và tiếp nối tại Hội nghị tiếp theo cuối tháng 2 vừa qua ở Hà Nội. “Bác” trừng phạt bổ sung, Tổng thống Donald Trump rõ ràng luôn để hé mở cánh cửa đối thoại với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, người mà ông gọi là “người bạn tốt”, người mà ông “rất quý”.