Luật chống khủng bố gây tranh cãi

ANTĐ - Trung Quốc đã thông qua đạo luật chống khủng bố đầu tiên song việc này đang gây ra những tranh cãi và quan ngại với nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Luật chống khủng bố gây tranh cãi ảnh 1

Lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố của Trung Quốc được triển khai ở sân vận động
 Bắc Kinh

Tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 18 Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc (NPC) khóa 12 ngày 27-12, toàn bộ 159 đại biểu đã bỏ phiếu thông qua Luật Chống khủng bố đầu tiên trong lịch sử nước này. NPC cho rằng, việc thông qua luật là rất cần thiết đối với việc bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh công cộng, an toàn tính mạng, tài sản của người dân nước này cũng như tăng cường hợp tác quốc tế chống khủng bố, thể hiện trách nhiệm quốc tế của Trung Quốc.

Trung Quốc thông qua luật chống khủng bố khi mà khủng bố và chủ nghĩa cực đoan đang là một hiểm họa  trên khắp thế giới. Trong khi đó, Trung Quốc  cho rằng nước này cũng đang phải đối mặt với các mối đe dọa khủng bố, nhất là ở khu tự trị Tân Cương, nơi có nhiều người theo đạo Hồi sinh sống.

 Luật chống khủng bố đầu tiên của Trung Quốc ngoài việc đưa ra các khái niệm, hành vi khủng bố… cũng quy định những biện pháp nhằm chống khủng bố. Tuy nhiên, trong những biện pháp chống khủng bố có 2 điều khoản gây tranh cãi, đó là các điều khoản liên quan về an ninh mạng và đưa quân đội ra nước ngoài để chống khủng bố.

Điều khoản về an ninh mạng của Luật Chống khủng bố yêu cầu các hãng công nghệ hoạt động tại Trung Quốc, bao gồm cả các hãng nước ngoài, phải cung cấp thông tin nhạy cảm của người dùng khi được chính quyền sở tại yêu cầu. Các hãng công nghệ thông tin và nhiều nước trên thế giới cho rằng điều khoản này có thể bị lạm dụng, gây hại cho cả người dùng và công ty công nghệ.

Ngay từ tháng 3-2015, trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đề cập tới dự Luật Chống khủng bố của Trung Quốc và cho rằng, điều khoản trên sẽ đe dọa quyền tự do ngôn luận và quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, phía Trung Quốc khi công bố Luật Chống khủng bố ngày 27-12 đã tuyên bố điều khoản này là cần thiết và cam kết nước này đã có sẵn phương án để bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp.

Quy định khác trong Luật Chống khủng bố của Trung Quốc cũng được nhiều nước quan tâm với không ít quan ngại, đó là việc cho phép Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) và các lực lượng cảnh sát vũ trang Trung Quốc thực hiện sứ mệnh chống khủng bố ở nước ngoài nếu được Quân ủy Trung ương Trung Quốc chấp thuận. Ngoài ra, lực lượng công an và an ninh quốc gia Trung Quốc cũng có thể phái người ra nước ngoài tham gia các sứ mệnh chống khủng bố nếu được sự chấp thuận của Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc cũng như các nước sở tại.

Trước Trung Quốc, Mỹ dưới danh nghĩa chống khủng bố đã phát động các cuộc tấn công quân sự nhằm vào Afghanistan và Iraq. Dư luận lo ngại, với sức mạnh đang trỗi dậy mạnh của mình, trong đó có sức mạnh quân sự, Trung Quốc có thể “noi gương” Washington có những hành động tương tự sau khi Luật Chống khủng bố đầu tiên có hiệu lực từ ngày 1-1-2016.