Lựa chọn khó khăn

(ANTĐ) - Serbia vẫn chưa thể thoát khỏi nguy cơ khủng hoảng chính trường bởi liên minh của vị Tổng thống thân phương Tây Boris Tadic tuy giành nhiều ghế nhất trong cuộc tổng tuyển cử tại Serbia, song lại vẫn chưa đủ để có thể đứng ra thành lập chính phủ mới.

Lựa chọn khó khăn

(ANTĐ) - Serbia vẫn chưa thể thoát khỏi nguy cơ khủng hoảng chính trường bởi liên minh của vị Tổng thống thân phương Tây Boris Tadic tuy giành nhiều ghế nhất trong cuộc tổng tuyển cử tại Serbia, song lại vẫn chưa đủ để có thể đứng ra thành lập chính phủ mới.

ông Tadic với hai lá cờ Serbia và EU
ông Tadic với hai lá cờ Serbia và EU

Chính trường Serbia rơi vào khủng hoảng từ tháng 3 vừa qua sau khi chính phủ liên minh cầm quyền giữa đảng Dân chủ Serbia (DSS) của Thủ tướng Vojislav Kosstunica với đảng Dân chủ (DS) của Tổng thống Tadic và đảng “G17 Cộng” tan vỡ do bất đồng về quan hệ với Liên minh châu Âu (EU).

Nay vẫn không một chính đảng nào chiếm đa số ghế để có thể giành quyền đứng ra lập chính phủ mới cho dù Liên minh “Vì một nước Serbia của Châu Âu” do DS của ông Tadic làm nòng cốt đã tuyên bố chiến thắng.

Theo kết quả sơ bộ công bố ngày 12-5, liên minh “Vì một nước Serbia” giành gần 39% tổng số phiếu, tương đương 103 ghế trong Quốc hội có 250 ghế.

Đảng Cấp tiến Serbia (SRS) của ông Tomislav Nikolic về nhì với 28,6% số phiếu, 77 ghế; DSS đứng thứ ba với 11,6% số phiếu, 30 ghế; và đảng Xã hội chủ nghĩa Serbia (SPS) của cố Tổng thống Slobodan Milosevic được 8,2% số phiếu, 21 ghế.

Như vậy, liên minh của Tổng thống Tadic còn thiếu 23 ghế nữa mới đủ đa số tối thiểu 126 ghế để giành quyền đứng ra thành lập chính phủ mới.

Lực lượng của ông Tadic không còn cách nào khác là phải tìm kiếm liên minh nếu muốn đứng ra lập chính phủ mới. Tuy nhiên điều này không phải dễ dàng nếu nhìn vào tình hình chính trường Serbia hiện nay.

Từng tham gia liên minh cầm quyền nhưng nay DSS của ông Kosstunica lại nhất quyết không chịu cùng “chiến hào” với ông Tadic do khác biệt lập trường cơ bản về quan hệ với EU sau khi nhiều thành viên liên minh này công nhận Kosovo độc lập.

Cuộc tổng tuyển cử ngày 11-5 từng được xem là cuộc trưng cầu dân ý ở Serbia xem người dân nước này chọn gia nhập EU hay từ bỏ Kosovo. Trong khi liên minh của Tổng thống Tadic ủng hộ nhiệt thành gia nhập EU bất chấp việc liên minh này đã công nhận Kosovo độc lập thì DSS lại từ chối gia nhập nếu EU không hủy quyết định công nhận độc lập của Kosovo.

Kết quả cuộc bầu cử vì thế đã cho thấy phần lớn người dân Serbia ủng hộ gia nhập EU với hy vọng được “đổi đời” nếu bước vào ngôi nhà chung này. Thế nhưng, số người dân muốn giữ vùng đất Kosovo bất chấp phải trả giá bằng việc đứng ngoài EU cũng không phải ít.

Hiện Tổng thống Tadic đang đàm phán với một chính đảng khác về khả năng thành lập chính phủ liên minh. Tuy nhiên, việc tìm đủ đa số tối thiểu 126 ghế xem ra rất khó khăn.

Chỉ về thứ ba nhưng DSS của ông Kosstunica vẫn chưa hết cơ hội đứng ra lập chính phủ mới. Ông tuyên bố Kosstunica không bao giờ liên minh với lực lượng chính trị thân Tổng thống Tadic và khẳng định chỉ liên minh với các chính đảng nào có quan điểm giống quan điểm của DSS.

Vì thế lực lượng theo đường lối dân tộc, kiên quyết phản đối Kosovo độc lập, vẫn có khả năng giành quyền thành lập chính phủ mới.

Hoàng Tuấn