Lựa chọn chiến lược ở Biển Đông nhằm bảo đảm không gian sinh tồn cho tương lai

ANTD.VN - Với Việt Nam, Biển Đông có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế - xã hội. Đây còn là cửa ngõ giao lưu giữa Việt Nam với thế giới. Trong bối cảnh phức tạp trên Biển Đông, lựa chọn chiến lược nào để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền quốc gia, lợi ích dân tộc, giữ gìn hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển ở Biển Đông ngày càng trở nên cấp thiết.

Lựa chọn chiến lược ở Biển Đông nhằm bảo đảm không gian sinh tồn cho tương lai ảnh 1Việt Nam chủ trương gắn phát triển kinh tế biển với  bảo vệ chủ quyền biển, đảo

Vùng biển có nhiều tranh chấp phức tạp nhất thế giới

Là một biển nửa kín với diện tích bề mặt khoảng 3,94 triệu km2, Biển Đông là một trong những biển lớn nhất thế giới. Khu vực này có vai trò chiến lược bởi những tuyến đường hàng hải huyết mạch nối Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, châu Á - Châu Âu, châu Á - Trung Đông. Theo thống kê, đây là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ 2 trên thế giới. Trong số hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển, 45% phải đi qua Biển Đông. 

Ngoài đóng vai trò là con đường hàng hải quan trọng, Biển Đông còn được biết tới như một khu vực giàu tài nguyên như hải sản và dầu khí. Đây là một trong 5 bồn trũng chứa dầu khí lớn nhất thế giới. Hiện nay, hầu hết các nước trong khu vực đều đang khai thác và sản xuất dầu khí từ biển gồm Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Brunei, Indonesia, Thái Lan... Đặc biệt, Biển Đông là vùng biển có nhiều tiền đề thuận lợi cho việc hình thành và tích tụ băng cháy, được coi là nguồn năng lượng thay thế dầu khí trong tương lai. 

Tiềm năng như vậy nên không có gì ngạc nhiên khi Biển Đông thu hút sự quan tâm của nhiều nước. Đây là một trong những vùng biển có nhiều tranh chấp phức tạp nhất thế giới giữa một số quốc gia và vùng lãnh thổ. 

Đặc biệt, thời gian gần đây, yêu sách “đường lưỡi bò” chiếm tới 80% diện tích Biển Đông cũng như cách hành xử của Trung Quốc trên Biển Đông khiến thế giới hết sức lo ngại. Điều gì xảy ra khi yêu sách “đường lưỡi bò” bị áp đặt trên thực tế? Khi đó, toàn bộ quyền kiểm soát với vùng trời, vùng biển và đáy biển trong “đường lưỡi bò” sẽ nằm trong tay Trung Quốc. Mọi hoạt động kinh tế, giao thương đường biển, đường không trong khu vực đều dưới sự điều khiển của Trung Quốc. 

Dù hiện tại Trung Quốc chưa đủ lực để áp đặt mọi tham vọng của mình, nhưng cách hành xử của họ cho phép người ta đoán được tham vọng độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh. Trên thực tế, từ năm 2013 đến nay, Trung Quốc đã tập trung đầu tư quy mô lớn, biến các đảo đá thành các đảo nhân tạo rồi lắp đặt các trang thiết bị quân - dân sự ở các điểm chiếm đóng ở Trường Sa, tạo nguyên trạng hoàn toàn mới ở Biển Đông.

Việc Trung Quốc cản trở Việt Nam thực hiện các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình, ngang nhiên đưa nhóm tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 xâm phạm EEZ và vùng thềm lục địa của Việt Nam cho thấy Bắc Kinh đang âm mưu biến vùng biển của nước khác thành của mình dưới yêu sách “đường lưỡi bò”.

Không chỉ là nơi tranh chấp về chủ quyền, Biển Đông còn là “đấu trường” tranh giành ảnh hưởng giữa các nước lớn, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo chiến lược châu Á - Thái Bình Dương mà Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố năm 2017, Mỹ dự kiến sẽ tăng cường các hoạt động quốc phòng, ngoại giao và kinh tế trong khu vực để làm giảm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Washington cũng nhấn mạnh đến sự hợp tác của 4 cường quốc trong khu vực là Mỹ-Nhật-Ấn-Australia, đồng thời kêu gọi sự can dự mạnh mẽ hơn từ các nước châu Âu, nhất là Anh và Pháp, để đảm bảo cấu trúc an ninh trong khu vực trước mối đe dọa từ Trung Quốc.

Tư duy về biển thay đổi để thực hiện cùng lúc nhiều nhiệm vụ cơ bản

Với Việt Nam, Biển Đông có vai trò đặc biệt quan trọng, bởi diện tích vùng đặc quyền kinh tế rộng tới hơn 1 triệu km2, tức là lớn gấp 3 lần diện tích lãnh thổ đất liền. Cứ khoảng 100km2 vuông lãnh thổ đất liền thì Việt Nam có 1km bờ biển, và chỉ số này gấp 6 lần chỉ số trung bình toàn cầu.

Do đó, biển có vị trí địa chiến lược vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực tế, hiện nay, có tới 1/3 dân số Việt Nam sống nhờ biển. Theo ước tính, đến cuối thế kỷ 21, Việt Nam sẽ có quy mô dân số khoảng 140 triệu người. Lúc đó, chúng ta cần phải tiến ra biển và Biển Đông sẽ là niềm hy vọng, là không gian sinh tồn cho các thế hệ mai sau.

Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã nhấn mạnh quan điểm biển là bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Theo mục tiêu của Nghị quyết Trung ương 8, Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn. Dự kiến đến năm 2030, các ngành kinh tế thuần biển sẽ đóng góp khoảng 10% GDP của Việt Nam; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển sẽ chiếm 65%-70% GDP cả nước.

Trên thực tế, theo con số thống kê, đến cuối năm 2017, các khu kinh tế ven biển đã thu hút hơn 390 dự án đầu tư nước ngoài với tổng mức đầu tư đăng ký đạt 45,5 tỷ USD, vốn đầu tư thực hiện đạt 26,5 tỷ USD, và 1.240 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đạt 805 nghìn tỷ đồng, vốn đầu tư thực hiện đạt 323,6 nghìn tỷ đồng. 

Trong bối cảnh quốc tế và các xu thế mới, tư duy về biển của Việt Nam thay đổi theo hướng bảo đảm thực hiện thành công cùng lúc nhiều nhiệm vụ cơ bản là bảo đảm an ninh, bảo vệ chủ quyền và các lợi ích trên biển. Phát triển kinh tế biển phải gắn với quản lý vùng trời, bảo vệ biển đảo, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân.

Với các tranh chấp ở Biển Đông, chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Theo đó, đối với các vấn đề chỉ liên quan đến Việt Nam và một quốc gia khác thì giải quyết song phương; với các vấn đề liên quan đến nhiều nước, nhiều bên, liên quan đến tự do, an toàn hàng hải thì cần sự bàn bạc của các bên liên quan. Biện pháp thì theo Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam “kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và các lợi ích chính đáng của Việt Nam theo luật pháp quốc tế”. 

Việt Nam cũng tranh thủ các diễn đàn đa phương nhằm xây dựng và thực hiện các cơ chế hợp tác, thúc đẩy hòa bình, hòa giải, ngăn ngừa xung đột. Phương hướng đó sẽ tiếp tục được Việt Nam thực hiện khi đảm nhiệm chức Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021.