Lời hứa gió bay?
(ANTĐ) - Những nước công nghiệp phát triển giàu có trên thế giới đang bất đồng sâu sắc với nhau về việc tài trợ cho các nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Thế nhưng, ngay cả với những khoản tiền mà họ đã hứa hẹn tài trợ cũng chưa thấy đâu.
Các nước nghèo chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu |
Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu chống biến đổi khí hậu tại Copenhagen (Đan Mạch) đầu tháng 12 tới, Đài BBC của Anh đã tiến hành điều tra và phát giác rằng các nước công nghiệp phát triển đã lờ đi những khoản tiền lớn hứa tài trợ cho các nước đang phát triển. Theo BBC, các nước giàu từng hứa sẽ viện trợ 410 triệu USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển đối phó với hậu quả nặng nề của biến đổi khí hậu.
Số tiền trên được đại diện của 20 nước công nghiệp, trong đó có 15 nước Liên minh châu Âu (EU) lúc đó cùng với Canada, Iceland, New Zealand, Na Uy và Thụy Sĩ, cam kết trong Tuyên bố Bonn 2001. Tuy nhiên, 8 năm đã trôi qua song chỉ một phần số tiền trên, khoảng 260 triệu USD, được chuyển vào các quỹ của LHQ trong khi số tiền theo cam kết phải lên tới 1,6 tới 2,87 tỷ USD.
Phản ứng với thông tin của BBC, ông Artur Runge-Metzger - nhà đàm phán khí hậu của EU - khẳng định EU đã thực hiện đúng như cam kết trong Tuyên bố Bonn. Ông cho biết tiền không chỉ chuyển vào các quỹ của LHQ song lại không thể cung cấp các dữ liệu để chứng minh rằng liên minh này đã tài trợ nhiều hơn con số 260 triệu USD.
Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cũng lên tiếng cáo buộc các nước công nghiệp phát triển đã không giữ lời hứa. Ông nói: “Đã có những lời hứa chưa được thực hiện đầy đủ. Đây là vấn đề niềm tin”.
Việc thất hứa tài trợ chống biến đổi khí hậu của các nước công nghiệp phát triển chắc chắn sẽ được đặt ra tại Hội nghị Copenhagen sắp tới. Các nước đang phát triển có thể sẽ không đặt bút ký vào thỏa thuận đưa ra tại hội nghị này nếu không có cơ chế buộc các nước công nghiệp phát triển phải thực thi các cam kết.
Biến đổi khí hậu đang trở thành thách thức toàn cầu lớn nhất hiện nay. Các nước công nghiệp thải ra nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhất song chịu thiệt hại nặng nề nhất lại là các nước đang phát triển với khoảng 75 đến 100 tỷ USD mỗi năm trong vòng 40 năm tới - theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB).
Chính vì thế mà các nước công nghiệp phát triển phải có trách nhiệm trợ giúp nhằm giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu tại các nước đang phát triển. Theo ước tính của các chuyên gia, các nước đang phát triển cần khoảng 100 tỷ euro (khoảng 147 tỷ USD) mỗi năm để đối phó với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Với số tiền vài trăm triệu USD mỗi năm còn có chuyện “hứa nhiều, làm ít” thì ai có thể tin được các nước công nghiệp sẽ nghiêm chỉnh thực hiện các cam kết lên tới hàng tỷ, thậm chí hàng trăm tỷ USD?
Hoàng Tuấn