
Thủ đô Tripoli bị tàn phá trong các cuộc không kích của NATO
Trong một đoạn băng ghi âm được phát trước hàng nghìn người ủng hộ tập trung tại quảng trường chính ở Thủ đô Tripoli, ông M. Gaddafi tuyên bố: “Một ngày nào đó, người dân Libya có thể đưa cuộc chiến này đến châu Âu, nhằm vào nhà ở, văn phòng, gia đình của các người, những nơi này sẽ trở thành các mục tiêu quân sự hợp pháp, giống như các người đã nhằm vào nhà ở của chúng ta…”. Đây có thể coi là phản ứng gay gắt nhất của nhà lãnh đạo Libya trước những thiệt hại nặng nề mà cuộc chiến của NATO gây ra. Kể từ khi những quả bom đầu tiên trút xuống mảnh đất Libya cách đây hơn 3 tháng, đến nay máy bay của NATO đã tiến hành tổng cộng 5.000 lần xuất kích với bình quân 50 mục tiêu tấn công mỗi ngày. Phần lớn các vụ tấn công diễn ra ở trong hoặc xung quanh Thủ đô Tripoli, thành phố Misrata ở miền Tây, Benghazi ở miền Đông và vùng núi Nafusa ở phía Tây Nam thủ đô, khiến hàng nghìn người thiệt mạng và khoảng 900.000 người phải rời bỏ nhà cửa hoặc lánh nạn sang nước khác. Tuy NATO tuyên bố mục tiêu các cuộc không kích là nhằm hỗ trợ lực lượng chống đối chế độ của ông M. Gaddafi và bảo vệ dân thường, nhưng thực chất đây là cuộc chiến nhằm lật đổ ông M. Gaddafi. Chính vì thế mà không có gì ngạc nhiên khi bản thân ông M. Gaddafi cùng các thành viên gia đình và các nơi trú ngụ của ông như Dinh tổng thống đều đã nhiều lần bị đặt trong vòng ngắm của máy bay NATO. Một người con trai của ông M. Gaddafi đã thiệt mạng trong các cuộc không kích. Cũng chính vì mục tiêu là nhằm thay đổi chế độ Libya nên NATO không mấy mặn mà với các nỗ lực hòa bình mà các bên liên quan tiến hành. Phải rất khó khăn, Liên minh châu Phi (AU) mới thuyết phục ông M. Gaddafi đồng ý đứng ngoài quá trình đàm phán nhằm tiến tới một lệnh ngừng bắn, một cuộc chuyển giao quyền lực toàn diện và “các cải cách chính trị cần thiết” ở Libya. Tuy nhiên, nỗ lực đó có nguy cơ thất bại bởi Pháp vừa quyết định cung cấp vũ khí cho phe đối lập Libya, “đổ thêm dầu vào lửa” trong cuộc chiến đang ở thế bế tắc ở đất nước này. Mặc dù lệnh cấm vận vũ khí toàn diện mà Liên hợp quốc áp đặt với Libya từ năm 2001 vẫn còn hiệu lực, Pháp vẫn làm ngơ khi cung cấp các vũ khí tấn công như súng phóng rocket, tên lửa chống tăng, thậm chí cả xe tăng hạng nhẹ cho phe đối lập Libya. Hành động của Pháp đã bị Nga, Trung Quốc, AU… lên án, đồng thời khiến ngay các quan chức NATO cũng phải ngạc nhiên và đặt ra những câu hỏi liệu Pháp có vi phạm luật pháp quốc tế hay không. Cũng dưới sức ép của Pháp, Anh, Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đã thông qua lệnh truy nã với ông M. Gaddafi. Bình luận về việc này, các nhà phân tích cho rằng, lệnh bắt giữ ông M. Gaddafi khó có thể làm thay đổi tình trạng bế tắc trong chiến dịch quân sự hiện nay ở Libya, thậm chí có thể khiến xung đột kéo dài hơn và có thể trở thành lý do để ông M. Gaddafi chống lại bất cứ giải pháp ngoại giao nào dẫn đến việc ông phải rời khỏi Libya.