Lo ngại Trung Quốc leo thang gây căng thẳng

ANTD.VN - Việc Trung Quốc tiếp tục đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 xâm phạm trở lại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam khiến cộng đồng quốc tế lo ngại về bước leo thang gây căng thẳng của Trung Quốc tại Biển Đông cũng như khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Lo ngại Trung Quốc leo thang gây căng thẳng ảnh 1Tàu khảo sát Hải Dương 8 đang vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam 

Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 26-8 đã ra thông cáo bày tỏ quan ngại sâu sắc trước các hành vi vi phạm của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Thông báo của Bộ Quốc phòng Mỹ nêu rõ, Trung Quốc gần đây đã nối lại hành động can thiệp mang tính chèn ép đối với hoạt động dầu khí lâu nay của Việt Nam tại Biển Đông, đi ngược lại cam kết của chính Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tại Diễn đàn Đối thoại Shangri-La (ở Singapore) vào tháng 6 vừa qua là “Trung Quốc sẽ theo đuổi con đường phát triển hòa bình”.

Thông báo được cho thể hiện sự chỉ trích trực tiếp của Lầu Năm góc với các hoạt động trên Biển Đông của Trung Quốc thời gian qua, trong đó động thái leo thang căng thẳng gây lo ngại sâu sắc cho cộng đồng quốc tế là đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ở bãi Tư Chính của Việt Nam ở phía Nam Biển Đông. Khu vực bãi Tư Chính, theo quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia cùng tham gia và cam kết tuân thủ, hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Việc Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, ngang nhiên vi phạm vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam vì thế đã làm căng thẳng thêm tình hình Biển Đông vốn đã căng thẳng bởi tham vọng và hành vi hung hăng đòi chủ quyền phi lý của Trung Quốc. Trong khi đó, Mỹ sau khi công bố chiến lược mới Ấn Độ-Thái Bình Dương đã khẳng định có lợi ích sống còn tại khu vực mà Mỹ là một quốc gia nằm bên bờ Thái Bình Dương này.

Bởi thế, trong thông báo đưa ra ngày 26-8, Lầu Năm góc đã nhấn mạnh, các hành động của Trung Quốc cũng đi ngược lại với tầm nhìn của Mỹ về một “khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng mở và tự do, nơi tất cả các nước dù lớn hay nhỏ đều được bảo đảm an ninh chủ quyền, không bị chèn ép và có thể theo đuổi tăng trưởng kinh tế phù hợp với các quy tắc và chuẩn mực được quốc tế công nhận”. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng cảnh báo, Trung Quốc sẽ không giành được lòng tin của các nước láng giềng cũng như sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế nếu tiếp tục duy trì chiến thuật bắt nạt của mình trong khu vực. 

Mỹ cho rằng, các hành động của Trung Quốc khi chèn ép các quốc gia ASEAN có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, cũng như triển khai các hệ thống quân sự tấn công và thực thi tuyên bố hàng hải bất hợp pháp đã làm dấy lên quan ngại nghiêm trọng về uy tín của Trung Quốc. Lầu Năm góc khẳng định, Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ nỗ lực của các đồng minh và đối tác “nhằm đảm bảo tự do hàng hải và cơ hội kinh tế xuyên suốt toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

Trước Lầu Năm góc, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 22-8 vừa qua cũng đã ra tuyên bố chỉ trích việc Trung Quốc đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 trở lại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, cho rằng đây là hành động leo thang của Bắc Kinh trong nỗ lực nhằm hăm dọa các bên có tuyên bố chủ quyền khác trong việc phát triển các nguồn tài nguyên ở Biển Đông. Các hành động này cũng cho thấy Trung Quốc không tôn trọng quyền của các quốc gia trong việc tiến hành các hoạt động kinh tế tại vùng đặc quyền kinh tế của họ theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) vốn được Trung Quốc phê chuẩn vào năm 1996.