Lo ngại chạy đua vũ trang khi Nga, Mỹ tháo "chốt hãm" INF

ANTD.VN - Điện Kremlin ngày 4-3 thông báo Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ban hành sắc lệnh đình chỉ sự tham gia của Nga trong Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Mỹ. Động thái này được cho là nhằm trả đũa việc làm tương tự trước đó của Mỹ, khiến cộng đồng quốc tế dấy lên lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Lo ngại chạy đua vũ trang khi Nga, Mỹ tháo "chốt hãm" INF ảnh 1Một cuộc biểu tình chống vũ khí hạt nhân tại Thủ đô London của Anh

Theo đó, Tổng thống Putin ra lệnh đình chỉ hiệp ước INF cho đến khi Mỹ ngừng những hành động vi phạm hiệp ước này. Quyết định trên của Tổng thống Nga được cho nhằm trả đũa cho hành động tương tự từ Washington khi Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 1-2 đã tuyên bố Mỹ ngừng các nghĩa vụ trong khuôn khổ hiệp ước INF với Nga kể từ ngày 2-2. Tổng thống Mỹ cũng cho biết Washington bắt đầu tiến trình rút khỏi INF trong vòng 6 tháng.

Cho dù đã rất nhiều lời kêu gọi trên thế giới, trong đó có những vị nguyên thủ quốc gia và đứng đầu Chính phủ, trên thực tế thì Nga và Mỹ đã có những cuộc đàm phán nhằm cứu vãn INF song hiệp ước từng đóng vai trò rất quan trọng ngăn chặn xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân cũng như chạy đua vũ trang này khó tránh khỏi đổ vỡ hoàn toàn. Mỹ đổ lỗi cho Nga vi phạm hiệp ước khi chế tạo và triển khai tên lửa “Novator 9M729”, tuy nhiên lại không thể đưa ra bằng chứng để chứng minh.

Việc hai quốc gia từng đặt bút ký kết và thực hiện nghĩa vụ cam kết trong INF suốt hơn 30 năm qua đã làm dấy lên lo ngại sâu sắc trên thế giới về một cuộc chạy đua vũ trang mới, không chỉ ở châu Âu mà trên khắp toàn cầu. INF được Tổng thống Mỹ và Tổng thống Liên Xô (Nga kế thừa hiện nay) ký ngày 8-12-1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-6-1988 với cam kết hai bên không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500-5.500 km).

Suốt hơn 3 thập kỷ qua, INF trở thành rào cản pháp lý để ngăn cản bất kỳ cuộc tấn công hạt nhân bất ngờ nào từ bên này vào bên kia. Đồng thời, hiệp ước được đánh giá là một trong những hiệp ước quan trọng nhất được ký thời Chiến tranh Lạnh đã giúp ngăn chặn chạy đua vũ trang hạt nhân giữa hai cường quốc quân sự mạnh nhất thế giới bằng việc “đóng băng” hoạt động sản xuất, thử nghiệm các loại vũ khí mới.

Nay, việc Mỹ và Nga cùng tháo chiếc “chốt hãm” chạy đua vũ trang rõ ràng sẽ đẩy trước hết là châu Âu và thế giới đối mặt với những nguy cơ  tấn công hủy diệt lớn hơn rất nhiều khi INF còn hiệu lực. Trước khả năng đổ vỡ khó tránh khỏi của “tấm lá chắn hạt nhân” INF, đã có nhiều lời kêu gọi và phía Nga cũng đã đề cập tới việc Washington và Matxcơva cùng ngồi lại đàm phán một hiệp ước mới thay thế cho INF.

Theo giới quan sát, đàm phán về một hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân, ngăn chặn chạy đua vũ trang là đòi hỏi cấp thiết trong bối cảnh châu Âu và thế giới hiện nay so với khi ký kết INF hơn 30 năm trước đã có những thay đổi rất lớn. Kho vũ khí hủy diệt hàng loạt của Mỹ và Nga hiện vẫn lớn và mạnh nhất thế giới, song hiện cũng đã xuất hiện thêm các quốc gia có kho vũ khí hạt nhân ngày càng mạnh khiến cả Washington và Matxcơva phải có những sự điều chỉnh quan trọng để đối phó, đặc biệt là Trung Quốc. Với sự trỗi dậy rất mạnh mẽ về mọi mặt trong hơn 3 thập kỷ qua, Trung Quốc nay đã có một tiềm lực tấn công hạt nhân hàng đầu thế giới với nhiều loại vũ khí ngày càng hiện đại, chính xác cao, hủy diệt lớn.

Sự cân bằng và ổn định chiến lược trên thế giới sẽ đảo lộn nghiêm trọng một khi INF bị vô hiệu. Tương lai hòa bình, ổn định và an ninh toàn cầu đỏi hỏi phải có một “chốt hãm” hạt nhân mới với sự tham gia của không chỉ Mỹ và Nga mà cả những cường quốc hạt nhân mới trỗi dậy như Trung Quốc.