Liệu Iran có "cai" được dầu mỏ?

ANTĐ - Khi trình bày tại quốc hội bản dự thảo ngân sách nhà nước cho năm tài chính 2016, Tổng thông Iran tuyên bố rằng, nước này cần “cai nghiện dầu mỏ”. Nhưng xem ra điều đó là rất khó.

Trong kế hoạch chuẩn bị ngân sách cho năm tài khóa 2016, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã đưa ra lời kêu gọi đất nước “cai nghiện dầu mỏ”. Ông cho rằng, nước này cần tiến tới cải cách nền kinh tế, nhằm loại bỏ sự phụ thuộc vào nguồn thu từ xuất khẩu dầu.

Hãng tin Anh Reuters cho biết, ông Hassan Rouhani đã nhận định rằng, hiện giá dầu giảm đi vì các nhà đầu tư lo ngại dầu mỏ Iran trở lại thị trường thế giới. Giá dầu thấp là cơ hội tuyệt vời để đất nước này đoạn tuyệt sự phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt.

Mặc dù Tổng thống Rouhani đã tuyên bố như vậy nhưng các nhà phân tích cho rằng, với một nước giàu tài nguyên và vốn dĩ phụ thuộc sâu vào tài nguyên như Iran, việc “thoát dầu” là điều rất khó, bởi muốn chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, mỗi nước cần tới khoảng thời gian hàng chục năm. 

Hiện nay, trữ lượng dầu thô của Iran vào khoảng 157,3 tỷ thùng, đứng thứ 4 thế giới về trữ lượng dầu mỏ, sau Canada với 173,2 tỷ thùng, Saudi Arabia với 268,4 tỷ thùng và Venezuela - quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới với trữ lượng dầu thô cực lớn là 297,7 tỷ thùng.

Rất khó để các nước xuất khẩu dầu mỏ như Iran thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ

Trong thời gian qua, Iran bị cấm vận xuất khẩu, lượng dầu tồn trữ của nước này là khá lớn nên trước hết họ vẫn phải tăng lượng xuất khẩu trong thời gian tới, để vừa tăng thu nhập, lấy tiền tái đầu tư thiết bị khai thác và chế xuất đã lạc hậu của mình, vừa kích thích sản xuất.

Hơn nữa, 1/3 nguồn thu ngân sách của nước này đến từ đến từ xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt nên mặc dù giá dầu có giảm đến cực hạn thì Tehran cũng không dễ để thất thu một nguồn ngân sách khổng lồ từ “mỏ vàng lộ thiên dễ khai thác” là xuất khẩu dầu thô.

Và quả nhiên đúng như dự đoán là Tehran đang có kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu. Theo Interfax, trong tháng ba hoặc tháng 4-2016, Iran sẽ bắt đầu bán ra thị trường một loại dầu nặng mới, được khai thác từ các mỏ ở Tây Karuna, gần biên giới với Iraq.

Sau khi các biện pháp trừng phạt của phương Tây được hủy bỏ, Iran cũng ngay lập tức công bố ý định mở rộng kinh doanh nhiên liệu dầu mỏ với các khách hàng truyền thống như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoài ra, Tehran cũng bắt đầu tìm kiếm những đầu ra mới cho nguồn dự trữ dầu khổng lồ của mình, ví dụ như tăng cường giao dịch với thị trường Tây Âu, từ trước tới nay vẫn đóng cửa đối với dầu mỏ và khí đốt nước này.