Liên minh châu Âu khó thống nhất tăng trừng phạt Nga

ANTĐ - Hôm qua (9-3), Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã đến Washington (Mỹ) để hội đàm với Tổng thống B.Obama về những vấn đề hai bên cùng quan tâm, bao gồm cả tình hình Ukraine và các biện pháp trừng phạt Nga. 

Liên minh châu Âu khó thống nhất tăng trừng phạt Nga ảnh 1Theo thỏa thuận Minsk, vũ khí hạng nặng sẽ phải rút và cải cách hiến pháp trao quyền tự trị cho miền Đông Ukrainem

Trả lời phỏng vấn của tờ New York Times, ông Donald Tusk cho biết, hiện Liên minh châu Âu (EU) chưa thống nhất gia tăng trừng phạt đối với Nga. Một số chính trị gia EU vẫn hy vọng Matxcơva sẽ thay đổi chính sách đối với vấn đề Ukraine, tuy nhiên một số người khác tỏ thái độ nghi ngờ. Vì những hạn chế trong cơ chế hoạt động nên EU không thể nhanh chóng đưa ra quyết định trừng phạt Nga. “Có được sự thống nhất trong 28 quốc gia thành viên là điều vô cùng khó khăn” – ông Donald Tusk nói. Theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu, thỏa thuận ngừng bắn Minsk đạt được hồi tháng 2 vừa qua chưa giải quyết triệt để được xung đột tại miền Đông Ukraine, nhưng đã đem lại chuyển biến tích cực tại đây. 

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel trong chuyến thăm Nhật Bản 2 ngày bắt đầu từ hôm qua 9-3 một lần nữa nhấn mạnh: “Cần thiết duy trì đối thoại với Nga, tuy nhiên vẫn phải tiếp tục trừng phạt”. Trái với ý kiến này, trả lời phỏng vấn tạp chí Parlamentni Listy, Tổng thống Cộng hòa Czech Milos Zeman cho rằng lệnh ngừng bắn ở Ukraine đang được thực thi và giám sát, nên không có lý do để tăng lệnh trừng phạt Nga vốn sẽ hết hạn vào tháng 7 tới. Tổng thống CH Czech cho hay, quyết định nới lỏng cơ chế cấm vận sẽ phụ thuộc vào tất cả các nước thành viên Liên minh châu Âu.

Kể từ thời điểm Crimea được sáp nhập vào Nga cách đây 1 năm và phương Tây cáo buộc Nga ủng hộ các lực lượng đòi ly khai ở miền Đông Ukraine, Nga đã chịu nhiều vòng trừng phạt từ Mỹ và phương Tây. Trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đen gia tăng do bất đồng Nga - phương Tây, ngày 9-3, Bộ Ngoại giao Nga đã cáo buộc cuộc tập trận mới đây của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trên Biển Đen gần khu vực tiếp giáp bán đảo Crimea là hành động khiêu khích.