Liên Hiệp Quốc cáo buộc Mỹ, Anh, Pháp đồng lõa ‘tiếp tay’ cho tội ác chiến tranh Yemen

ANTD.VN - Hôm 3-9, Liên Hiệp Quốc đã công bố bản báo cáo bao gồm danh sách các quốc gia và cá nhân có thể phải đối mặt với án hình sự đồng lõa gây nên tội ác chiến tranh ở Yemen, điển hình là Anh, Pháp và Mỹ.

Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC) đã cáo buộc Mỹ, Anh và Pháp có thể trở thành những “kẻ đồng lõa” trong tội ác chiến tranh ở Yemen do Liên minh Saudi Arabia lãnh đạo bằng việc bán vũ khí hoặc viện trợ cho Saudi và gọi đây là những hành vi bất hợp pháp.

“Các quốc gia cố ý viện trợ hoặc giúp đỡ các bên tham gia cuộc xung đột ở Yemen đều sẽ phải chịu trách nhiệm về sự đồng lõa tội ác này vì chúng đã vi phạm luật nhân đạo quốc tế”, Hội đồng các chuyên gia quốc tế và khu vực của UNHRC tại Yemen cho biết trong báo cáo hôm 3-9.

Bản báo cáo dài 274 trang liệt kê các tội ác chiến tranh mà 2 bên tham gia cuộc xung đột có thể phạm phải, bao gồm các cuộc không kích, pháo kích, thả mìn, các “chiến thuật vây hãm” - tấn công vào bệnh viện và các cơ sở hạ tầng quan trọng khác; các hành vi bắt giữ và hành quyết tùy tiện, tra tấn và cưỡng chế trẻ em vào mục đích chiến đấu. 

Ngoài ra, một danh sách dài liệt kê danh tính các sĩ quan quân đội và chính trị gia được cho là liên quan từ Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, Lực lượng quân đội Chính phủ Yemen và Liên minh phiến quân Houthi – đã được gửi đến Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc để điều tra thêm và có thể bị truy tố.

Các nhân viên cứu hộ của Trăng lưỡi liềm đỏ vận chuyển thi thể nạn nhân của cuộc không kích do liên quân Saudi Arabia lãnh đạo vào một nhà tù ở Dhamar, Yemen hôm 1-9-2019 (Ảnh: Reuters)

Anh và Pháp đang trong tình trạng bị kiểm soát đặc biệt với tư cách bên ký kết Hiệp ước Thương mại vũ khí (ATT). Tuy nhiên, hai quốc gia này vẫn đang “tiếp tay cho tội ác” khi bán vũ khí cho Saudi Arabia và một số thành viên liên minh khác để sử dụng ở Yemen.

Không chỉ tham gia ATT mà ngay cả những nước không tham gia cũng có thể đối mặt án hình sự với trách nhiệm viện trợ và tiếp tay cho tội ác chiến tranh. Điều này sẽ là bước đệm đầy ý nghĩa giúp giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo và vi phạm pháp luật quốc tế diễn ra ở Yemen.

Tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Liam Fox đã tuyên bố trước Quốc hội về quyết định đình chỉ xuất khẩu vũ khí của Anh cho Saudi Arabia sau khi tòa phúc thẩm của Anh yêu cầu chính phủ nước này nghiêm túc xem xét lại việc bán vũ khí cho Saudi Arabia bởi những tác động tiêu cực của hoạt động này đối với vấn đề nhân đạo.

Pháp cũng gặp phải những chỉ trích gay gắt từ cộng đồng quốc tế và các tổ chức phi chính phủ về việc tạo điều kiện cho một số quốc gia Trung Đông bao gồm Saudi Arabia - trở thành khách hàng hàng đầu mua vũ khí của nước này và sử dụng với mục đích tấn công vào Yemen.

Ngoài ra, một dự luật “hiếm có” được Mỹ đưa ra nhằm chấm dứt việc bán vũ khí cho Saudi Arabia nhưng đã bị Tổng thống Donald Trump phủ quyết vào tháng 7. Cụ thể, ông cho rằng nó sẽ làm suy yếu khả năng cạnh tranh toàn cầu của Mỹ và mối quan hệ với các đồng minh. 

Báo cáo của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cũng cung cấp 1 bản cập nhật về quy mô gây sốc của cuộc khủng hoảng nhân đạo, cho thấy gần ¼ dân số Yemen bị suy dinh dưỡng vào đầu năm 2019, theo Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo Liên Hợp Quốc (OCHA); cùng với đó là nạn đói hoành hành ở 230 trên 300 quận của Yemen và 24,1 triệu người cần sự giúp đỡ “chỉ để tồn tại”.