Lây lan tệ bắt nạt trong các trường học Trung Quốc

ANTĐ - Cô Lưu Lệ Châu ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc đã không biết con trai 15 tuổi bị đuổi đánh ở trường đến mức giập lá lách. Đây là một trong nhiều học sinh bị bắt nạt - tình trạng đang được ví như “dịch bệnh” lan rộng trong các trường học ở nước này.

Lây lan tệ bắt nạt trong các trường học Trung Quốc ảnh 1Hoàng Đường Hồng trong bệnh viện với những vết thương đau đớn

30 vụ bắt nạt “đình đám” trong 9 tháng

Ngày 8-6 vừa qua, con trai cô Lưu tên Hoàng Đường Hồng bị 3 học sinh cùng trường đuổi đánh. Trao đổi với kênh truyền hình CNN của Mỹ, gia đình cô Lưu cho biết, những học sinh cá biệt đã bắt nạt con trai cô từ nhiều năm trước. Hoàng Đường Hồng nằm bẹp dưới sàn lớp học sau khi bị đánh “hội đồng”. Cậu sợ hãi nên không dám hé nửa lời với cha mẹ. Những ngày sau đó, do đau không dứt, Hoàng phải bỏ dở kỳ thi ở trường để nhập viện phẫu thuật. 

Vụ việc của học sinh Hoàng Đường Hồng thu hút chú ý của dư luận Trung Quốc sau khi người họ hàng của Hoàng do quá bức xúc nên đã đòi công lý bằng cách tung ảnh chụp lá lách bị tổn thương và những mũi khâu đau đớn của cậu lên mạng xã hội. Những đối tượng bắt nạt Hoàng sau đó đã bị tạm giam để phục vụ điều tra về việc gây ra chấn thương nghiêm trọng cho người khác. Tuy nhiên, chúng sớm được thả ra sau khi gia đình đồng ý bồi thường 210.000 NDT (khoảng 33.000 USD) cho nạn nhân.

Trường hợp của Hoàng Đường Hồng là một trong chuỗi vụ việc tương tự đang được bàn tán xôn xao tại Trung Quốc, đặc biệt là trong cộng đồng mạng. Họ tranh luận xoay quanh chủ đề cần có giải pháp bảo vệ đối với học sinh bị bắt nạt tại trường học. Theo Luật Bảo vệ trẻ em ở nước này, thiếu niên dưới 16 tuổi không phải chịu sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật, trừ khi phạm tội nghiêm trọng như giết người.

Theo hãng CNN, ít nhất 30 trường hợp bị bắt nạt được truyền thông Trung Quốc đưa tin trong 9 tháng qua. Hồi tháng 7, Cơ quan Quản lý không gian mạng của Trung Quốc đã đóng một trang web sau khi trang này đăng tải những video “khiêu dâm và bạo lực” liên quan tới tình trạng bắt nạt trẻ em. 3 tháng sau đó, một đoạn video khác liên quan tới bạo lực học đường đã lan truyền trên mạng, quay cảnh 4 nữ sinh 12-14 tuổi quây đánh một nữ sinh. Giới chức địa phương đã đề nghị Bộ Giáo dục và cơ quan cảnh sát điều tra vụ việc này, đồng thời cho hay vụ đánh nhau bắt nguồn từ tranh cãi nhỏ nhặt. 

Trong khi đó, biện pháp chủ yếu mà phía nhà trường dùng để xoa dịu cơn giận dữ từ gia đình có con em bị ức hiếp chỉ là đánh dấu “đen” vào học bạ của những học sinh du côn. 

Trẻ hung hãn do gia đình thiếu quan tâm 

Tình trạng học sinh bị bắt nạt đang được ví như “dịch bệnh” lây lan trong nhiều trường học ở Trung Quốc. Theo một nghiên cứu tiến hành tại 4 thành phố ở tỉnh Quảng Đông và được công bố năm 2012, 21% học sinh cấp 2 từng liên quan tới tình trạng bắt nạt (là kẻ bắt nạt, hoặc là nạn nhân, hay cả hai). 

Lưu Triều Anh, một nhân viên tư vấn tâm lý ở Bắc Kinh cho biết, các hình phạt nặng cho những kẻ bắt nạt không giải quyết được gốc rễ vấn đề và gợi ý nên có dịch vụ tư vấn tâm lý cho học sinh. Tuy nhiên, nhiều trường không đủ nguồn lực cho dịch vụ này. 

Theo cô Lưu, nhiều học sinh “đầu gấu” và nạn nhân bị bắt nạt xuất thân trong gia đình ít có các cuộc nói chuyện cởi mở với con cái. “Trẻ ở độ tuổi này có thể phản ứng với việc nhỏ nhặt bằng hành vi cộc cằn mà không nghĩ tới hậu quả” - chuyên gia tâm lý Lưu cho biết, đồng thời đề nghị, gia đình và nhà trường cần phối hợp để xử lý tình trạng bắt nạt học đường - bằng việc quan tâm con em mình hơn. Tuy nhiên, thực tế, nhiều thiếu niên liên quan tới bạo lực học đường, như Hoàng Đường Hồng, là “thế hệ bị bỏ lại” ở Trung Quốc. Cứ 1 trong 5 trẻ em Trung Quốc thì có 1 bố/mẹ hoặc cả bố mẹ lao động xa quê hương. Những đứa trẻ này dễ mắc nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần và hành vi.