Lầu Năm Góc thúc giục ngăn chặn hành động “đùa với lửa” của Nga

ANTĐ -Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Robert Work cho rằng bằng việc phát triển các vũ khí hạt nhân, Nga thực sự đang đẩy mình vào trò chơi nguy hiểm như “đùa với lửa”.

Hôm 25-6, Thứ trưởng Robert Work đã có một buổi nói chuyện với các nhà lập pháp Mỹ trong Hạ viện, ông nhận định tình hình quân sự hiện tại của Nga và nói rằng Mỹ cần phải ngăn chặn hành động phát triển vũ khí hạt nhân này càng sớm càng tốt.

Phát biểu với Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, ông Work cho biết nỗ lực của Moscow trong việc sử dụng lực lượng hạt nhân đe dọa các nước láng giềng đã thất bại, điều đó chỉ khiến cho các đồng minh NATO gần gũi và đoàn kết với nhau hơn. Ông cũng chỉ trích cái mà ông gọi là chiến lược “leo thang để giảm leo thang” của Nga.

“Bất cứ quốc gia nào đang nghĩ họ có thể kiểm soát được căng thẳng leo thang bằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân thì đó là hành động 'đùa với lửa'. Leo thang là leo thang, và sử dụng vũ khí hạt nhân là nấc thang căng thẳng cuối cùng”, ông Work nói.
Lầu Năm Góc thúc giục ngăn chặn hành động “đùa với lửa” của Nga ảnh 1Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đi bộ đến tham dự một buổi lễ đặt vòng hoa tại Mộ Chiến sĩ Vô danh ở trung tâm Moscow, Nga, ngày 22-6-2015
Dẫn chứng cụ thể, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh Nga vẫn tiếp tục vi phạm Hiệp ước giải trừ tên lửa hạt nhân tầm trung (INF), trong đó cấm các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình có tầm bắn từ 500 đến 5.500km.

Chính từ sự phát triển hạt nhân quân sự của Nga, ông Work không khỏi lo lắng.  Ông cho biết Lầu Năm Góc đang có kế hoạch thúc giục Tổng thống Barack Obama “phải ngăn chặn hành vi vi phạm hiệp ước của Nga, khi nước này đã bỏ qua các quy định cơ bản của INF để đạt được lợi thế quân sự đáng kể”.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý việc hiện đại hóa và duy trì lực lượng hạt nhân của Mỹ trong năm tới sẽ tiêu tốn khoảng 7% ngân sách quốc phòng, tăng từ 3 đến 4% chi tiêu hiện tại. Điều này có thể ảnh hưởng tới các chương trình quân sự khác, nếu ngân sách không được tăng cường.

Mỹ đang có một nỗ lực lâu dài và tốn kém để hiện đại hóa lực lượng hạt nhân đã "cũ kĩ" của mình, bao gồm việc nâng cấp, bổ sung vũ khí, tàu ngầm, máy bay ném bom và tên lửa đạn đạo. Ước tính chi phí có thể dao động từ 355 tỷ trong một thập kỷ đến 1000 tỷ trong vòng 30 năm tới.

Lầu Năm Góc lo ngại, việc hiện đại hóa lực lượng hạt nhân sẽ đi kèm với cuộc đấu tranh của ngân sách hạn hẹp và các loại vũ khí đắt tiền khác như siêu chiến đấu cơ Joint Strike Fighter F-35 và tàu chiến mới.

Ông Work dự kiến việc hiện đại hóa lực lượng hạt nhân tiêu tốn trung bình 18 tỉ USD mỗi năm trong giai đoạn từ 2021-2035. Trong khi đó, ngân sách quốc phòng hàng năm của Lầu Năm Góc là 500 tỉ USD.

"Nếu không có kinh phí bổ sung dành riêng cho chiến lược hiện đại hóa lực lượng, thì việc duy trì mức độ chi tiêu sẽ rất khó khăn và ảnh hưởng đến các chương trình khác trong danh mục đầu tư quốc phòng," ông Work nói.

Tuy nhiên, nhóm ủng hộ việc kiểm soát vũ khí cho rằng các lực lượng hạt nhân của Mỹ cần phải lớn hơn mức cần thiết để thực hiện mục tiêu chiến lược của Tổng thống, và Lầu Năm Góc có thể tiết kiệm tiền bằng cách thận trọng cắt giảm quy mô của bộ ba hạt nhân và các bước khác.