Lật tẩy mưu đồ "diễu võ giương oai" áp đặt chủ quyền phi pháp ở Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bất chấp đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành, Trung Quốc trong thời gian ngắn vừa qua đã liên tiếp tổ chức các cuộc tập trận hải quân quy mô lớn ở Biển Đông khiến tình hình vùng biển chiến lược này đã căng thẳng lại càng thêm căng thẳng, gây lo ngại sâu sắc không chỉ tại khu vực mà còn trên cả thế giới.

Biên đội tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc trong cuộc tập trận ở Biển Đông 

Trung Quốc liên tiếp “diễu võ giương oai” ở Biển Đông

Tờ Thời báo Hoàn Cầu, một phiên bản của Nhân dân nhật báo của Trung Quốc, đưa tin hải quân Trung Quốc bắt đầu tổ chức một cuộc tập trận quy mô lớn từ ngày 1 đến 5-7 tại khu vực biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Trước đó, Trung Quốc đã ngang ngược đơn phương ban hành lệnh cấm bất hợp pháp về việc cấm tất cả các phương tiện tàu thuyền đi lại trong khu vực tàu chiến tập trận tại khu vực quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Trung Quốc không cho biết mục đích cuộc tập trận cũng như lực lượng tham gia cuộc tập trận hải quân, song một số nguồn tin cho biết chỉ vài ngày trước cuộc tập trận đã thấy xuất hiện tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép tàu đổ bộ Type 071 lớn nhất của Trung Quốc và các loại máy bay chiến đấu J-10, J-11, Su-30 và máy bay do thám Y-8. Đây là cuộc tập trận mới nhất của Trung Quốc ở Biển Đông từ đầu năm tới nay, thời gian mà cả khu vực và thế giới phải căng mình chống chọi với đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19) vốn xuất phát từ “tâm dịch” Trung Quốc. 

Dư luận thế giới, khu vực thời gian qua đã lên án, chỉ trích Trung Quốc về việc lợi dụng tình hình đại dịch Covid-19 để tiến hành các hoạt động gây căng thẳng, đe dọa tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Trong đó, dày đặc là các cuộc tập trận của Trung Quốc với các quy mô, mục đích khác nhau ở Biển Đông.

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (South China Morning Post) hồi cuối tháng 3-2020 đã dẫn thông báo từ quân đội Trung Quốc cho biết máy bay quân sự của nước này vừa tiến hành cuộc tập trận chống tàu ngầm ở Biển Đông. Đến giữa tháng 4, nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đã tập trận quy mô lớn ở Biển Đông. 

Chỉ sau đó hơn 1 tháng, biên đội tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh lại bắt đầu một cuộc tập trận mới ở Biển Đông từ ngày 30-4. Cuộc tập trận này được giới chuyên gia quân sự đánh giá có quy mô lớn với sự phối hợp của ba lực lượng gồm máy bay chiến đấu J-15, tàu sân bay và tàu ngầm nhằm giám sát Biển Đông.

Cùng thời gian trên, trên đường trở về sau chiến dịch ở vịnh Aden ngoài khơi Somalia, ba tàu chiến của Hải quân Trung Quốc, gồm tàu khu trục Thái Nguyên (Taiyuan), tàu hộ tống Kinh Châu (Jingzhou) và tàu tiếp liệu Sào Hồ (Chaohu) đã tham gia tập trận bắn đạn thật ở khu vực thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào ngày 2-5. Sau đó 2 ngày, vào ngày 4-5, biên đội máy bay chống ngầm của Trung Quốc tiếp tục tới thực hiện luyện tập tuần tra chống tàu ngầm. Biên đội máy bay chống ngầm này của Trung Quốc chính là nằm trong đơn vị hải quân Trung Quốc đã có hành động gây áp lực với tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Barry của Mỹ khi tàu này thực hiện sứ mạng tự do hàng hải tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ngày 28-4.

Dùng sức mạnh quân sự để áp đặt chủ quyền phi pháp

Việc hải quân cùng các lực lượng khác của quân đội Trung Quốc liên tục tiến hành tập trận, diễn tập, thậm chí bắn đạn thật ở Biển Đông được giới phân tích cho rằng ngoài việc lợi dụng các quốc gia đang phải đối phó với đại dịch Covid-19 để gia tăng hoạt động quân sự hóa, dùng sức mạnh hòng áp đặt đòi hỏi chủ quyền phi pháp tại vùng biển này còn nhằm răn đe các quốc gia khác, kể cả cường quốc hàng đầu như Mỹ. Chưa nói tới các quốc gia trong khu vực, ngay cả Mỹ cũng phải rất vất vả đối phó với đại dịch Covid-19 khi có thời điểm hàng loạt thủy thủ trên các tàu sân bay, khu trục của Mỹ bị nhiễm chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2).

Theo giới chuyên gia, việc hải quân Trung Quốc “diễu võ giương oai” ở Biển Đông được cho là một thông điệp đe dọa tới các quốc gia trong khu vực, trước hết là những nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông. Cuộc tập trận hải quân mới nhất đang diễn ở khu vực thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép còn nhằm răn đe cả Mỹ khi mà cường quốc quân sự hàng đầu thế giới này cùng lúc triển khai 3 biên đội tác chiến tàu sân bay USS Nimitz, USS Theodore Roosevelt và USS Ronald Reagan ở khu vực Tây Thái Bình Dương, trong đó có biên đội hoạt động ở khu vực cửa ngõ Biển Đông.

Những cuộc tập trận hải quân mang thông điệp sức mạnh quân sự của Trung Quốc còn thể hiện chiến lược quân sự hóa xuyên suốt của quốc gia này ở Biển Đông. Không có cơ sở pháp lý, đặc biệt là theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), cho những yêu sách đòi chủ quyền phi pháp ở Biển Đông, Trung Quốc nhiều năm qua đã theo đuổi chiến lược dùng sức mạnh quân sự để áp đặt chủ quyền phi pháp.

Điều này thấy rất rõ qua việc Trung Quốc ráo riết tiến hành quân sự hóa quy mô lớn ở Biển Đông thời gian qua, từ việc bồi đắp trái phép các đảo nổi nhân tạo để thiết lập các căn cứ quân sự trên các đảo, thực thể thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, cho tới đổ tiền đổ của để phát triển lực lượng hải quân với tâm điểm là biên đội tác chiến tàu sân bay và tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo. Lập các căn cứ quân sự quy mô lớn, xây dựng lực lượng hải quân với sức mạnh vượt trội hoàn toàn so với các quốc gia khu vực, tiến hành tập trận với sự tham gia của “con át chủ bài” biên đội tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông… 

Trung Quốc rõ ràng cho thấy rõ toan tính dùng sức mạnh để áp đặt chủ quyền ở Biển Đông, bất chấp điều này xâm phạm chủ quyền hợp pháp của các quốc gia liên quan, đe dọa nghiệm trọng tự do hàng hải, hàng không cũng như hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác ở vùng biển chiến lược quan trọng không chỉ với khu vực mà toàn cầu này.