Lật lại hàng loạt cáo buộc Huawei 18 năm qua liên quan tới gián điệp, đánh cắp công nghệ, trí tuệ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Căng thẳng liên quan đến thương mại tự do và an ninh quốc gia không phải là mới. Không chỉ Mỹ, nhiều quốc gia và công ty trên thế giới đã bày tỏ lo ngại rằng Trung Quốc có thể khai thác các công nghệ của Huawei vào mục đích do thám, đánh cắp các bí mật của Chính phủ, Quân đội hay các công ty.

Lật lại hàng loạt cáo buộc Huawei 18 năm qua liên quan tới gián điệp, đánh cắp công nghệ, trí tuệ ảnh 1Nhiều quốc gia đã loại Huawei ra khỏi mạng lưới 5G do lo ngại về vấn đề an ninh

2002: Cisco đã “nổ phát súng” đầu tiên khi kiện Huawei về hành vi đánh cắp công nghệ. Cisco cáo buộc Huawei đã vi phạm ít nhất 5 bằng sáng chế và sao chép nguyên văn mã nguồn hệ điều hành của Cisco. “Ngay cả các lỗi cũng giống hệt nhau” -  Cisco cáo buộc. Vào thời điểm đó, vụ kiện được xem sẽ là tiền lệ cho việc thực thi trên toàn thế giới. Cisco và Huawei đã giải quyết vào năm 2004 sau khi Huawei đồng ý thay đổi mã nguồn và ngừng sử dụng một số công nghệ. 

2003: Tại triển lãm thương mại viễn thông Supercomm ngày 23-6-2003, một nhân viên của Huawei bị bắt quả tang khi đang chụp ảnh các bảng mạch của một thiết bị mạng quang thuộc sở hữu của Fujitsu Network Communications. Huawei sau đó nói rằng đó là “một sự hiểu lầm” do nhân viên này nói tiếng Anh kém.

2005: Tập đoàn RAND Corp đã đưa ra báo cáo cho thấy Huawei hợp tác chặt chẽ với quân đội Trung Quốc. Theo đó, các công ty như Huawei nhận nhân viên và tài trợ từ quân đội, ngân hàng Nhà nước và các cơ quan khác. Tuy nhiên, Huawei phủ nhận các kết nối chặt chẽ với quân đội.

2009: Tại Indonesia, một nhân viên của Huawei trong chuyến thăm nhà điều hành di động Indonesia PT Excelcomindo Pratama đã bị bắt quả tang khi đang cố tải dữ liệu từ máy tính của người quản lý vào ổ đĩa cá nhân. Huawei cho biết nhân viên đã hành động một mình và xin lỗi công ty, nhân viên này sau đó bị đình chỉ công việc và trở về Trung Quốc.

2010: Công nghệ của Huawei có giá thành rẻ bởi được “chống lưng”. Một Ủy ban của EU đã điều tra khiếu nại của công ty công nghệ không dây Option, Bỉ liên quan đến việc Trung Quốc đã giảm thuế, các khoản vay giá rẻ và trợ cấp nghiên cứu cho Huawei và một công ty công nghệ khác của Trung Quốc  là ZTE, cho phép họ hạ giá so với đối thủ, chống lại các quy tắc thương mại quốc tế. 

2010: Trong một vụ kiện tháng 7-2010, Motorola đã cáo buộc Huawei đánh cắp công nghệ SC300 của họ. Theo đó, cựu nhân viên Motorola Pan Shaowei cùng đồng nghiệp là Hechun Cai và Jinzhong Zhang đã bay tới Trung Quốc vào năm 2003 và trao bí mật thương mại của Motorola cho Giám đốc điều hành Huawei Ren Zhengfei.  

2010: Bộ trưởng Thương mại Mỹ lúc đó là Gary Locke đã gọi cho Giám đốc điều hành của Sprint Nextel, Dan Hesse, yêu cầu không để cho Huawei đấu thầu hợp đồng trị giá 5 tỷ USD để nâng cấp mạng lưới vì những lo ngại về an ninh quốc gia. Sprint sau đó đã ký hợp đồng với Alcatel - Lucent, Ericsson và Samsung để thực hiện công việc.

2012: Một báo cáo của Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ đã gọi Huawei và Công ty ZTE của Trung Quốc là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, khuyến nghị các công ty viễn thông Mỹ không làm ăn với các công ty này. Cũng trong năm 2012, Australia đã cấm Huawei tham gia triển khai băng thông rộng tại quốc gia này là vì những lo ngại về an ninh.

Lật lại hàng loạt cáo buộc Huawei 18 năm qua liên quan tới gián điệp, đánh cắp công nghệ, trí tuệ ảnh 2Một cửa hàng điện thoại di động của Huawei tại Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc

2012-2017: Huawei đã cài đặt các hệ thống Internet trong trụ sở của Liên minh châu Phi do Trung Quốc xây dựng tại Addis Ababa, Ethiopia như một món quà của Trung Quốc cho tổ chức này. Vào tháng 1-2018, tờ Le Monde đã tiết lộ cáo buộc “hack” máy chủ thông qua một “cửa sau” được cài đặt trong hệ thống. Trong 5 năm - từ  năm 2012 đến 2017 - dữ liệu bí mật đã được chuyển đến Thượng Hải trong khoảng thời gian từ nửa đêm đến 2h sáng. Chính phủ Trung Quốc phủ nhận mọi cáo buộc liên quan. 

2013: Cựu lãnh đạo CIA Michael Hayden cho biết, ông có bằng chứng cho thấy Huawei đã làm gián điệp cho Chính phủ Trung Quốc. Ông cho biết Huawei đã cung cấp cho Chính phủ Trung Quốc thông tin về  hệ thống viễn thông nước ngoài mà Huawei có liên quan.  

2018: Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ: “Đừng mua Huawei”. Tại phiên điều trần tháng 2-2018 của Ủy ban Tình báo Thượng viện, Dan Coats - khi đó là Giám đốc tình báo quốc gia và 5 Giám đốc tình báo khác đã lên tiếng cảnh báo người dân Mỹ không mua sản phẩm của Huawei và ZTE vì lý do bảo mật. Cũng trong tháng 2-2018, Bộ Quốc phòng Australia tuyên bố cũng loại bỏ điện thoại thông minh của Huawei và ZTE vì những lo ngại về an ninh quốc gia. Vào tháng 5-2018, Lầu Năm Góc đã cấm sử dụng các sản phẩm của Huawei và ZTE tại các căn cứ quân sự của Mỹ bởi cho rằng rủi ro an ninh không thể chấp nhận khi những thiết bị này có thể được sử dụng để do thám quân nhân Mỹ.

2018: Australia đã loại Huawei ra khỏi cuộc đấu thầu các thiết bị sử dụng cho mạng 5G của nước này với lý do an ninh quốc gia. Australia là một thành viên của mạng chia sẻ thông tin tình báo của Five Five Eyes (gồm Mỹ, New Zealand, Canada và Anh). Vào tháng 11-2018, New Zealand, một thành viên của mạng chia sẻ thông tin tình báo của Five Five Eyes, đã loại trừ Huawei tham gia triển khai 5G vì lo ngại các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia. Cục An ninh Truyền thông Chính phủ New Zealand đã yêu cầu Công ty viễn thông Spark New Zealand ngừng sử dụng các thiết bị của Huawei. Cơ quan an ninh mạng CH Czech cảnh báo không sử dụng thiết bị do Huawei và ZTE sản xuất vì chúng gây ra mối đe dọa đối với an ninh nhà nước. 

2019: Vào tháng 1-2019, Cảnh sát Ba Lan đã bắt giữ Wang Weijing - một nhân viên người Trung Quốc của Huawei và cựu quan chức an ninh Ba Lan Piotr Durbajlo vì nghi ngờ làm gián điệp cho Trung Quốc. Huawei phủ nhận mọi cáo buộc liên quan đến Wang Weijing đồng thời sa thải nhân viên này. Wang Weijing từng là Tùy viên tại Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Gdansk, đã gia nhập Huawei vào năm 2011 với tư cách là Giám đốc quan hệ công chúng.

2019: Công ty Akhan Semiconductors của Mỹ đã phát triển một loại màn hình kim cương dành cho điện thoại thông minh và gửi mẫu cho Huawei và các công ty khác. Vào tháng 1-2019, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã điều tra sau khi Huawei trả lại chiếc màn hình bị vỡ và mất một mảnh. Một tuyên bố gần đây của Akhan cho biết, công ty cho rằng Huawei đã phá hủy sản phẩm của họ, vận chuyển đến Trung Quốc mà không được sự cho phép. 

2019: Mỹ cấm các công ty kết nối với Huawei mà không có sự cho phép của Chính phủ. Chính quyền của Tổng thống Donald Trump cấm các công ty Mỹ cung cấp linh kiện và phần mềm cho Huawei mà không có sự cho phép của Chính phủ. Ông Trump cũng đã ký một lệnh cho phép chính quyền Mỹ ngăn chặn các công ty Mỹ làm ăn với các công ty nước ngoài được coi là một mối đe dọa an ninh. Google, Qualcomm, Intel và ARM đã đình chỉ kinh doanh với Huawei để tuân thủ lệnh cấm. Về phần mình, Huawei cho biết lệnh cấm này có động cơ chính trị.

2019: Một báo cáo của Finite State cho thấy đã phát hiện các lỗ hổng an ninh mạng nghiêm trọng trong các thiết bị Huawei. Finite State - công ty bảo mật mạng có trụ sở tại Ohio đã công bố một nghiên cứu đánh giá các rủi ro liên quan đến an ninh mạng trong các thiết bị của  Huawei. Nghiên cứu đã xem xét 1,5 triệu file trong gần 10.000 hình ảnh và thấy rằng hơn một nửa trong số chúng dễ bị truy cập “cửa hậu”. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng các thiết bị của Huawei có bảo mật kém hơn đáng kể so với các thiết bị tương tự từ các công ty khác.

2020: Ngày 14-7-2020, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã yêu cầu loại bỏ hoàn toàn thiết bị của Công ty Công nghệ Huawei khỏi mạng 5G của Anh trước cuối năm 2027, động thái có nguy cơ chọc giận Trung Quốc bằng cách gửi tín hiệu rằng, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới không được chào đón ở phương Tây.

Mỹ tuyên bố trừng phạt Huawei 

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo mới đây tuyên bố Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ áp đặt quy định hạn chế cấp thị thực đối với một số giới chức điều hành, thành viên trong tập đoàn Huawei và nhiều công ty công nghệ khác của Trung Quốc. Ông Mike Pompeo cho rằng những công ty công nghệ này cung cấp hỗ trợ vật chất cho chính quyền, gây ra tình trạng “vi phạm và lạm dụng nhân quyền”. Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh, các công ty viễn thông trên thế giới cần nhận thức được một điều, nếu hợp tác với Huawei tức là họ đang kết hợp kinh doanh với số “lạm dụng nhân quyền”.