Lao động trên biển bị lừa gạt, đánh đập tàn nhẫn

ANTĐ - Nghe lời dụ dỗ ngon ngọt, nhiều người Philippines đã bị lừa gạt, ép buộc làm nô lệ lao động và bị đánh đập tàn nhẫn trên biển. Thậm chí, họ phải đánh đổi cả tính mạng của mình.

Lao động trên biển bị lừa gạt, đánh đập tàn nhẫn ảnh 1Eril Andrade tử vong khi lao động trên tàu cá Đài Loan 

Buộc phải làm việc 20 giờ/ngày

Mùa hè năm 2010, Eril Andrade theo học ngành tội phạm học với hy vọng trở thành một nhân viên cảnh sát. Nhưng do chiều cao khiêm tốn, anh không đạt tiêu chuẩn yêu cầu. Andrade xin làm công việc bảo vệ ban đêm tại một bệnh viện và được trả chưa đầy 50 cent một giờ. Lúc rảnh rỗi, Andrade thường xem hoạt hình trên tivi. Khi một người em họ nói đến công việc trên biển, Andrade xem đây là cơ hội tốt, không những được đi khắp nơi trên thế giới mà còn kiếm đủ tiền phụ giúp gia đình.

Anh được giới thiệu đến bà Robelo, người phụ trách tuyển dụng của Công ty Step Up Marine Enterprise (có trụ sở tại Singapore) ở địa phương. Bà này nói rằng, nếu chấp nhận làm việc, mức lương mà Andrade được hưởng là 500USD cộng với khoản trợ cấp 50USD. Andrade đồng ý và nộp khoảng 200USD tiền phí, sau đó tới Manila, cách làng anh khoảng 354km về phía bắc. Anh đóng thêm 318USD trước khi bay tới Singapore vào tháng 9-2010. Một người đại diện của công ty đón anh tại sân bay và đưa anh tới văn phòng của Step Up Marine Enterprise ở Chinatown (khu phố Tàu) đông đúc tại Singapore. 

Không chỉ Andrade, hơn chục người đàn ông khác trong làng cũng bị Công ty Step Up Marine Enterprise lừa gạt với lời hứa hẹn về một mức lương cao. Tuy nhiên, sau khi tới Singapore, họ bị giam lỏng tại một căn hộ trong nhiều tuần trên đảo quốc này. Trong thời gian chờ đợi để lên các tàu câu cá ngừ của Đài Loan, họ thậm chí còn bị một người đàn ông trông giữ đòi phục vụ tình dục. Khi lên được tàu, những người đàn ông này phải làm việc 20 giờ/ngày và bị đánh đập tàn nhẫn. Họ chỉ được về nhà nếu chấp nhận bỏ việc không lương. Như vậy, nếu trở về, họ sẽ bị ngập trong khoản nợ lên tới hàng nghìn USD đã vay trước đó. 

Trở lại trường hợp của Eril Andrade. Khi rời ngôi làng nhỏ Linabuan Sur ở Philippines, người đàn ông khỏe mạnh này hy vọng sẽ kiếm đủ tiền lợp lại mái nhà dột nát cho mẹ. Nhưng 7 tháng sau, thi thể anh được đặt trong chiếc quan tài gỗ để chuyển về nhà. Thi thể anh bị mất một phần nội tạng, trên người có nhiều vết thương và vết thâm tím. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy, Andrade đã bị đánh đập dã man trước khi chết. Điều này hoàn toàn trái ngược với thông tin trên một tờ giấy viết tay bằng chữ Trung Quốc do thuyền trưởng tàu cá ghi lại được dán lên thi thể Andrade, trong đó chỉ cho biết, anh Andrade, 31 tuổi qua đời trong lúc ngủ. 

Lao động trên biển bị lừa gạt, đánh đập tàn nhẫn ảnh 2Công ty Step Up Marine Enterprise được đổi tên thành 123 Employment Agency    

Chờ đợi công lý được thực thi

Philippines là quốc gia xuất khẩu nhân lực làm việc trên biển nhiều nhất thế giới, chiếm khoảng 1/4 số nhân lực làm việc trong lĩnh vực này trên toàn cầu. Năm ngoái, hơn 400.000 người Philippines đăng ký tìm việc trong các lĩnh vực ngành nghề trên biển. Các quan chức lao động Philippines cho biết, tình trạng lạm dụng lao động trên biển gia tăng trong những năm gần đây do trung bình mỗi năm có tới 20.000 người tốt nghiệp ra trường trong khi nhu cầu tuyển dụng chưa đến 5.000 người. Khi không tìm được việc, nhiều người chấp nhận mạo hiểm và khoảng 1/3 trong số họ tìm đến các công ty tuyển dụng lao động bất hợp pháp như Step Up Marine Enterprise. Chính vì vậy, họ dễ bị lừa gạt ký cam kết với những điều khoản bất lợi và phải đóng các khoản phí “trên trời”. 

Được thành lập năm 1988, Công ty Step Up Marine Enterprise do ông Victor Lim, hiện ngoài 60 tuổi và vợ ông ta, bà Mary, điều hành. Gần đây, biển hiệu công ty đã bị gỡ bỏ và lấy tên mới là Công ty 123 Employment Agency do con trai của ông Lim là Bryan điều hành. Năm 2001, tại phiên xét xử ở Philippines, ông Lim và các hãng đối tác đã phủ nhận những cáo buộc liên quan tới hoạt động lừa đảo, cho rằng những thủy thủ bị quỵt lương đâm đơn kiện họ “toàn là những người lạ”. 

Sau cái chết của Andrade, các lãnh đạo Công ty Step Up Marine Enterprise và Công ty Hung Fei Fishery, đơn vị sở hữu tàu cá Đài Loan mà Andrade đã làm việc trên đó, đã đề nghị bồi thường cho gia đình anh khoảng 5.000 USD, tuy nhiên gia đình này từ chối. Thay vào đó, gia đình Andrade tiếp tục đệ đơn lên Bộ Nhân lực Singapore. Tuy nhiên cho tới tháng trước, các quan chức bộ này cho biết vẫn đang chờ một yêu cầu chính thức từ Chính phủ Philippines trước khi tiến hành điều tra. Các quan chức cảnh sát và công tố viên tại tỉnh Aklan, nơi gia đình anh Andrade sinh sống, đã bày tỏ thất vọng trước thông tin trên, không biết bao giờ công lý mới được thực thi sau cái chết của Andrade.