Lao động nữ châu Á bị lừa bán sang Syria

ANTĐ - Trong khi hàng triệu người đang bỏ chạy khỏi vùng đất xung đột đẫm máu Syria, nhiều phụ nữ nông thôn ở Bangladesh và Nepal gần đây đã bị đưa sang đất nước này để làm các công việc nội trợ hoặc gái mại dâm. Họ hầu hết bị lừa, khi đến Damascus mới biết đang ở trong vùng chiến sự.

Lao động nữ châu Á bị lừa bán sang Syria ảnh 1Gyanu Reshmi Magar, người Nepal - chỉ được trả 6 tháng lương
mặc dù làm việc 17 tháng ở Syria

Tưởng luyện quân, hóa ra nổ bom 

Gyanu Reshmi Magar, 25 tuổi, người Nepal đã được hứa hẹn một công việc ở Dubai nhưng hóa ra bị ép làm người giúp việc tại Thủ đô Syria cho biết ngay sau khi đến Thủ đô Damascus, cô đã được đưa đến làm giúp việc cho một gia đình tại đây. “Tôi đã hoàn toàn bị cắt đứt khỏi thế giới bên ngoài. Tất cả mọi việc hàng ngày của tôi là làm việc và ngủ... Tôi đã không thể liên lạc với bất cứ ai. Tôi không rời khỏi nhà trong 7 tháng”.

Lúc đầu Gyanu Magar không biết cô đang ở trong vùng chiến sự. Chỉ khi bắt đầu nghe thấy những tiếng động lớn vang khắp thành phố mà chủ nhà trấn an cô rằng đó chỉ là luyện quân, cô bắt đầu tìm hiểu qua Internet thì mới phát hiện ra mình đang ở khu vực có chiến tranh. Khi cầu xin được đưa về nhà, cô nhận được câu trả lời: “Chúng tôi mua cô với giá 6.000 USD. Cô không thể về nhà trừ phi trả lại đủ số tiền đó”. 

Tuy nhiên, Internet cũng là con đường giúp Gyanu Magar thoát khỏi Syria. Cô đã liên lạc được với Đại sứ quán Nepal ở Ai Cập và được giải cứu. Sau 17 tháng, Gyanu Magar trở lại Nepal trong cảnh gần như trắng tay. “Họ hứa sẽ trả lương cho tôi 160 USD/tháng nhưng tôi chỉ được trả trong 6 tháng. Khi rời đi, tôi hỏi chủ nhà về tiền lương, bà ấy móc trong ví ra 20 USD và ném về phía tôi, sau đó còn nhổ vào mặt tôi”. 

Lời nhắn nhủ của những nạn nhân

Trong thời gian gần đây, nhiều báo cáo cho thấy nhiều phụ nữ nông thôn nghèo từ Bangladesh và Nepal đã bị lừa đưa đến Syria. “Năm ngoái chúng tôi ước tính có khoảng 300 phụ nữ Nepal tại Syria và kể từ đó, con số này đã tăng lên nhiều, có thể là 500-600 người”, một nhà ngoại giao Nepal nói. 

Trước nhu cầu về lao động lớn tại nhiều nước Trung Đông, hàng nghìn phụ nữ châu Á và châu Phi sẵn sàng nộp phí tuyển dụng cao (thường ít nhất là 3.000 USD) để kiếm được việc làm. Một khi đã tới nơi, họ phải đối mặt với áp lực trả nợ ở nhà, vì thế dù có bị trả lương thấp, bị bóc lột sức lao động nhưng họ vẫn cố gắng để kiếm tiền gửi về nước. “Họ là những người dân nông thôn ít học, vô tội. Họ không biết gì về Syria và những gì đang xảy ra ở đó”, Trung tá Khadaker Golam Sarowar của cảnh sát Bangladesh nói. Trong năm vừa qua, đơn vị của ông Khadaker Golam Sarowar tiếp nhận 45 trường hợp phụ nữ đã bị đánh đập, tra tấn hoặc hãm hiếp ở Syria. 

Trong khi đó, Durpada Sapkota, một quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Nepal, cho biết khoảng 25 người lao động Nepal đã liên lạc với Bộ Ngoại giao đề nghị giải cứu họ, nhưng điều đó rất khó bởi họ không đi xuất khẩu lao động thông qua các kênh chính thức. Một trường hợp cầu cứu Bộ Ngoại giao của Nepal gần đây là Sunita Magar, 23 tuổi, đã có 2 con. Sunita Magar trả 80.000 rupee Nepal (tương đương 800 USD) để được đưa đi làm việc ở nơi mà cô nghĩ là Kuwait, nhưng hóa ra bị lừa tới Syria.

“Syria là một cơn ác mộng đối với tôi”, Sunita Magar, người đã làm việc ở Syria 18 tháng mà không được trả một đồng nào cho biết. “Tôi đã phải làm việc gần như 20 tiếng mỗi ngày. Tôi đã không có đủ thực phẩm để ăn và thậm chí không có thời gian để ngủ. Tôi bị đánh đập nhiều lần. Tôi đi xuất khẩu lao động để lo cho tương lai của con nhưng giờ không còn gì. Chồng tôi cũng bỏ đi lấy người khác”.

Sunita Magar cuối cùng đã được một người Nepal bỏ tiền ra để mua sự tự do cho cô. Đưa ra lời khuyên cho những ai đang mong tìm kiếm việc làm ở nước ngoài, cô nói: “Không thể nói là đừng đi, nhưng nếu đi thì hãy qua các kênh chính thức bằng việc có đủ thủ tục giấy tờ cần thiết, để nếu gặp rắc rối, sẽ có ai đó cứu bạn”. Gyanu Magar cũng có chung suy nghĩ như vậy: “Những lời hứa của người môi giới đều là giả. Nếu ai đó muốn đi, hãy tìm hiểu thật kỹ. Bây giờ, đôi khi tỉnh dậy, tôi vẫn còn sợ Syria”.