Lãng quên là tội ác

ANTĐ - Lãng quên những bài học trong quá khứ có thể dẫn tới việc lặp lại những sai lầm khủng khiếp. Xuyên tạc lịch sử Thế chiến II cũng là một tội ác! 

Nước Nga không thất vọng

Ngày 5-5, chỉ ít ngày trước Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã thẳng thắn bày tỏ nước Nga thông cảm với những nhà lãnh đạo không thể tới Moskva tham dự sự kiện này.

Khi trả lời câu hỏi của báo giới rằng LB Nga có thất vọng vì một số nước từ chối tham dự Lễ kỷ niệm vào ngày 9-5 tới, Ngoại trưởng Lavrov cho biết: “Đó là ngày lễ của chúng tôi, trước hết là ngày lễ lớn của nhân dân Nga - 70 năm Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại. Dịp này, chúng tôi vẫn thường gửi lời mời tới những bạn bè của mình. Lời mời không phải là giấy triệu tập tới phòng quân vụ. Nếu ai đó không thể nhận lời mời thì chúng tôi hoàn toàn thấu hiểu”. Cũng theo ông Lavrov, đất nước Nga sẽ rất vui mừng với những ai muốn chia sẻ ngày lễ này, còn nếu người đó đã có kế hoạch khác thì phía Nga cũng rất thông cảm.

Lãng quên là tội ác ảnh 1

Ngọn cờ Chiến thắng ở Berlin ngày 9-5-1945

Trước đó ít ngày, Chánh Văn phòng Tổng thống LB Nga, ông Sergei Ivanov cũng tuyên bố Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Chiến thắng trước hết được tổ chức để dành cho nhân dân Nga. Đây là ngày lễ của nước Nga, một ngày lễ có ý nghĩa hết sức to lớn. Người Nga tự hào về ngày lễ này và qua đây muốn nhấn mạnh rằng Liên Xô đã đóng một vai trò quyết định trong chiến thắng trước chủ nghĩa phát xít. Bên cạnh đó, ông Ivanov cũng cho biết nước Nga luôn sẵn sàng đón tiếp chu đáo những ai đã nhận lời mời tham dự buổi lễ.

Việc các nước phương Tây đang ra sức bao vây cô lập Nga là điều ai cũng biết. Bên cạnh các đòn trừng phạt kinh tế đi ngược lại xu hướng hội nhập của thời đại, bất chấp các giá trị của nền kinh tế thị trường tự do mà bản thân các nước phương Tây luôn kêu gọi, họ còn sử dụng các đòn tấn công về ngoại giao. Còn nhớ khi nước Nga chuẩn bị tổ chức Thế vận hội Mùa đông Sochi 2014, nhiều nước phương Tây cũng đã kêu gọi tẩy chay sự kiện này. Viện dẫn cuộc khủng hoảng tại Ukraine với cáo buộc không có cơ sở về vai trò của Nga, nhiều nước đã thể hiện thái độ thù địch ngay cả với một sự kiện thể thao vốn giúp xây dựng tình hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia và đặc biệt mang đậm tinh thần thượng võ, nhân văn.

Lãnh đạo một số nước hiện đã từ chối lời mời tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Chiến thắng của Nga với nhiều lý do khác nhau. Cũng như Ngoại trưởng Nga Lavrov đã tuyên bố, có thể hoàn toàn thông cảm cho những quyết định như vậy. Tuy nhiên, việc đưa ra những tuyên bố sai lệch về sự kiện này lại là điều không thể chấp nhận. Ví dụ điển hình là những phát biểu không thích hợp mới đây của Tổng thống Ba Lan Bronislav Komorovsky khi cho rằng cuộc diễu binh Chiến thắng trên Quảng trường Đỏ của Nga ngày 9-5 sắp tới là biểu tượng của một thế giới bất ổn và không bình yên. Nhà lãnh đạo Ba Lan còn đi xa hơn với cáo buộc các lực lượng tham gia lễ diễu binh sắp tới đã từng tấn công quốc gia láng giềng Ukraine!

Âm mưu viết lại lịch sử

Giữa Nga và Ba Lan đã từng có lịch sử sóng gió, nhưng không thể vì thế mà phủ nhận vai trò của Liên Xô, trong đó có nước Nga trong chiến thắng trước chủ nghĩa phát xít. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại thuộc Duma Quốc gia (tức Hạ viện) Nga Alexei Pushkov đã nhắc lại bài học lịch sử khi tuyên bố Ba Lan có lẽ đã không còn tồn tại nếu như không có hơn 600.000 sinh mạng của những người con Liên Xô đã hy sinh để giải phóng đất nước này. Lãnh đạo Đảng Nước Nga Thống nhất Klintsevich cũng bày tỏ sự ngạc nhiên trước phát biểu của Tổng thống Ba Lan bởi theo ông Ba Lan chịu ơn những người lính Xô Viết đã giúp đất nước này tồn tại. Chính trị gia này khẳng định biểu tượng chính của cuộc diễu binh Chiến thắng trên Quảng trường Đỏ là nhằm tôn vinh những người chiến thắng, những người lính Xô Viết. 

Lãng quên là tội ác ảnh 2

Moskva trước thềm Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Chiến thắng

Tại Lễ tưởng niệm các nạn nhân trong Thế chiến II do Liên hợp quốc tổ chức ngày 5-5, Đại sứ Nga Vitaly Churkin một lần nữa nhắc lại đóng góp mang tính quyết định của Liên Xô vào chiến thắng chung của Liên minh chống phát xít. Đó là hơn 600.000 chiến sĩ Hồng quân đã ngã xuống ở Ba Lan, 140.000 đồng chí của họ đã yên nghỉ tại Czech và Slovakia, 140.000 người khác nằm lại ở Hungaria, 70.000 người không trở về nhà từ Romania, và 26.000 người khác mãi mãi nằm lại trên đất Áo... Những người lính Xô Viết cùng với hơn 20 triệu người dân thuộc nhiều dân tộc, sắc tộc ở Liên Xô đã hy sinh thân mình để làm nên chiến thắng lẫy lừng, cứu nhân loại trước thảm họa phát xít. Bộ trưởng Quốc phòng Brazil - Jaques Wagner ngày 6-5 cũng khẳng định nhân dân Liên Xô đã có đóng góp lớn nhất cho Chiến thắng trong Thế chiến II với 27 triệu người thiệt mạng, trong đó có 7,5 triệu binh sĩ.

Từ Moskva, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên án mạnh mẽ những âm mưu viết lại lịch sử. Nhà lãnh đạo Nga thẳng thắn chỉ ra rằng các nỗ lực viết lại lịch sử và khôi phục chủ nghĩa phát xít là hành động cực kỳ nguy hiểm, vô đạo đức và không thể chấp nhận bởi điều đó đang đẩy thế giới vào các cuộc xung đột mới, tới sự tàn bạo và bạo lực. Hồi tháng 1-2015, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 70 ngày Hồng quân Liên Xô giải phóng trại tập trung Auschwitz của Đức quốc xã ở Ba Lan, Tổng thống Putin cũng từng tuyên bố bất kỳ nỗ lực nào nhằm viết lại lịch sử và xem xét lại đóng góp của LB Nga đối với Chiến thắng Vĩ đại trong Thế chiến II đều đồng nghĩa công nhận tội ác của chủ nghĩa phát xít Đức, đồng thời mở đường cho tư tưởng chết người này tồn tại. Tổng thống Nga nhấn mạnh chính Hồng quân Liên Xô đã cứu người Do Thái và nhiều người khác trên thế giới thoát khỏi sự hủy diệt tàn nhẫn của Đức Quốc xã.

Cũng nhân dịp này, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho biết một số nhà lãnh đạo ở những nước từng chịu đựng sự chiếm đóng của Đức Quốc xã đang bóp méo ký ức về Thế Chiến II vì mục đích chính trị, thậm chí đã có những âm mưu nhằm bao che cho những tội phạm chiến tranh và tay sai phát xít. 

Triết gia nổi tiếng người Tây Ban Nha George Santayana từ hàng trăm năm trước đã cảnh báo: “Những kẻ không thể nhớ lại quá khứ chắc chắn sẽ tái phạm lỗi lầm”. Tổng thống Nga Putin cũng nhấn mạnh lãng quên những bài học trong quá khứ có thể dẫn tới việc lặp lại những bi kịch khủng khiếp, như nạn tàn sát người Do Thái trong Thế chiến II.