Làn sóng cáo buộc quấy rối tình dục "ập" vào quan chức Bộ Ngoại giao Ấn Độ

ANTD.VN - Ông Mobashar Jawed Akbar, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Ấn Độ và là một cựu biên tập viên có tiếng đã bị ít nhất 12 đồng nghiệp nữ cáo buộc sàm sỡ và quấy rối tình dục. Ông Akbar, 67 tuổi, là một trong những quan chức cấp cao được nhắc đến liên tục 2 tuần qua trong một làn sóng cáo buộc hành vi quấy rối tình dục của phụ nữ Ấn Độ hay được ví như phong trào #MeToo của Ấn Độ.

Ông Akbar là một nhân vật được nhiều người biết đến với hàng chục năm làm phóng viên và biên tập viên của nhiều tờ báo, có quan hệ thân cận với cựu Thủ tướng Rajiv Gandhi và hiện giờ là Quốc vụ khanh theo đạo Hồi duy nhất trong chính phủ Ấn Độ. 

Làn sóng cáo buộc quấy rối tình dục "ập" vào quan chức Bộ Ngoại giao Ấn Độ ảnh 1Ông Mobashar Jawed Akbar cho rằng các cáo buộc là “giả dối và vô căn cứ”

12 phụ nữ đồng loạt lên tiếng

Quan chức này đã im lặng kể từ khi lời buộc tội đầu tiên xuất hiện hôm thứ ba tuần trước, khi nhà báo Priya Ramani công khai rằng ông Akbar chính là biên tập viên giấu tên - người có hành vi quấy rối tình dục cô này trong bài báo cô viết cho Vogue năm 2017. Kể lại chuyện này trên Twitter đầu tuần trước, Priya Ramani kể cô có hẹn phỏng vấn với ông ta trong một phòng khách sạn ở Mumbai.

“Hóa ra ông là một kẻ săn mồi có năng khiếu như sáng tác vậy. Tôi 23 tuổi, ông 43 tuổi. “Hãy ngồi xuống đây”, ông chỉ xuống một góc nhỏ rất gần mình. Tốt thôi, tôi trả lời với một nụ cười căng thẳng. Đêm đó tôi trốn thoát. Ông thuê tôi, tôi đã làm việc cho ông nhiều tháng mặc dù tôi thề rằng tôi sẽ không bao giờ ở trong phòng một mình với ông nữa”, cô viết.

Sau khi nữ nhà báo Ramani phá vỡ im lặng, ít nhất 11 phụ nữ khác đã lên tiếng tố cáo ông Akbar. Gần đây nhất là trường hợp Majlie de Puy Kamp, một phóng viên của CNN ở New York, cho biết, ông Akbar đã ép buộc cô phải hôn vào năm năm 2007, khi cô là một thực tập sinh 18 tuổi tại tờ Thời đại châu Á mà ông này công tác. “Những gì ông ấy làm thật đáng khinh, vượt qua ranh giới, phản bội lại sự tin tưởng của tôi”, cô Majlie de Puy Kamp nói với    Huffington Post Ấn Độ.

Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi không bình luận về những cáo buộc này nhưng Bộ trưởng Dệt may, Smirti Irani, hôm 11-10 đã kêu gọi ông Akbar “nói về vấn đề này”. “Bất cứ ai định nói ra không nên xấu hổ, không sợ trở thành nạn nhân hay sẽ bị chế nhạo”, nữ Bộ trưởng nhấn mạnh. Ông Amit Shah, Chủ tịch đảng cầm quyền Bharatiya Janata mà Quốc vụ khanh Akbar là thành viên cho biết sẽ xem xét liệu các cáo buộc đúng hay sai.

Làn sóng mới của phong trào #MeToo

Trước thời điểm ông Akbar trở lại Ấn Độ hôm 14-10 sau chuyến công tác tại Nigeria, một số phương tiện truyền thông cho rằng ông sẽ từ chức hoặc bị đình chỉ công việc để điều tra. Tuy vậy, ngay khi về nước, vị Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao khẳng định các cáo buộc là “giả mạo và bịa đặt” đồng thời nghi ngờ đó là một phần của âm mưu chính trị trước cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào nửa đầu năm 2019. “Tại sao cơn bão này lại tăng lên vài tháng trước cuộc tổng tuyển cử? Liệu có phải một chương trình nghị sự không? Bạn hãy là người phán xử”. Ông Akbar nói sẽ có hành động pháp lý để bảo vệ tên tuổi của mình.

Việc xử lý các cáo buộc đối với vị quan chức này sẽ được xem như là một chỉ báo quan trọng cho phong trào #MeToo đang lên ở Ấn Độ. Harinder Baweja, một trong những phụ nữ đã cáo buộc ông Akbar, đã viết trên Twitter rằng phản ứng của ông cùng đe dọa về hành động pháp lý thật “vô lý”. “Tất cả phụ nữ có liên quan đế cố gắng vượt qua sự cố trong 2-3 năm để bây giờ được khuyến khích chia sẻ nỗi đau, liệu họ có để tâm đến tổng tuyển cử”, cô viết.

Trong 2 tuần qua, hơn một chục nhà báo, diễn viên và nhạc sĩ Ấn Độ đã bị “tố” về những hành vi liên quan đến quấy rối, từ cách hành xử không thích hợp cho đến bạo lực tình dục. Chetan Bhagat, tác giả có sách thuộc hàng bán chạy nhất, đã phải xin lỗi công chúng sau khi một người phụ nữ đăng ảnh chụp màn hình tin nhắn cho thấy ông ta nói rằng đang muốn “cưa” cô. Trong khi, nam diễn viên Alok Nath có nguy cơ thất nghiệp sau khi bị buộc tội cưỡng hiếp nhà biên kịch Vinta Nanda dù anh này bác bỏ cáo buộc.

“Ngòi nổ” lớn nhất cho phong trào #MeToo của Ấn Độ phải kể đến vụ cựu diễn viên Bollywood Tanushree Dutta công khai tố cáo cô bị ngôi sao Nana Patekar, bạn diễn trong một bộ phim năm 2008 tấn công tình dục.