Lại nóng chuyện đi - ở của Scotland

ANTĐ - Hàng nghìn người tuần hành tại thành phố Glasgow yêu cầu trưng cầu dân ý về độc lập của Scotland sau khi Anh lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) đang đặt ra câu hỏi về tương lai của Liên hiệp Anh.

Lại nóng chuyện đi - ở của Scotland ảnh 1Biểu tình tại Glasgow đòi duy trì Scotland trong Liên minh châu Âu

Trong cuộc trưng cầu dân ý  ngày 23-6 vừa qua về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, 52% người dân Anh đã tán thành Brexit. Thế nhưng tại Scotland, một trong 4 xứ tạo nên Liên hiệp Vương quốc Anh gồm England, Wales, Scotland và Bắc Ireland, lại có tới 62% người dân Scotland phản đối Brexit, ủng hộ việc Anh ở lại EU.

Nghịch lý đó ngay lập tức thổi bùng lên câu chuyện về nguy cơ Scotland muốn tách khỏi Liên hiệp Anh. Thực tế việc đi hay ở trong Liên hiệp Anh không phải là chuyện mới với Scotland. Hồi năm 2014, theo ý nguyện của người dân, lần đầu tiên trong 300 năm nằm trong Liên hiệp Vương quốc Anh, Scotland đã tổ chức trưng cầu dân ý về nền độc lập.

 Phải nói rằng vào thời điểm có tính bước ngoặt trước cuộc trưng cầu dân ý, nếu như không có bài phát biểu đầy cảm xúc của Thủ tướng Anh David Cameron trước đám đông người dân Scotland, cũng như quyết định có tính thỏa hiệp khi lãnh đạo cả 3 chính đảng lớn ở Anh là Đảng Bảo thủ, Công đảng và Đảng Dân chủ Tự do cùng ký vào một lá thư trao quyền tối đa cho Nghị viện Scotland cũng như bảo đảm quyền lợi công bằng hơn cho xứ này, Scotland có lẽ đã chia tay Liên hiệp Anh.  

 Lịch sử lại có thể lặp lại khi kết quả trưng cầu dân ý về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) một lần nữa đặt Scotland và Liên hiệp Anh vào thế đối đầu. Một số ý kiến cho rằng, Scotland buộc phải rời khỏi EU theo đa số phiếu trên phạm vi toàn Vương quốc Anh trong cuộc trưng cầu ý dân về Brexit. Vì thế, họ kêu gọi tổ chức cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai để mở đường cho Scotland tuyên bố độc lập, tách ra khỏi Anh và tiếp tục ở lại EU như mong muốn của hầu hết người dân xứ này.

Thực tế là ngay sau khi cử tri Vương quốc Anh bỏ phiếu ủng hộ rời khỏi EU, Thủ hiến Scotland N. Sturgeon cũng đã gây xôn xao dư luận khi khẳng định Scotland quyết tâm ở lại Liên minh châu Âu (EU) bất chấp kết quả cuộc trưng cầu dân ý. Trả lời báo giới tại Brussels ngày 29-6 sau cuộc gặp với Chủ tịch Nghị viện châu Âu M. Schulz, bà N. Sturgeon nhấn mạnh Scotland không muốn rời khỏi EU và quyết tâm ở lại liên minh này.

Mặc dù Thủ tướng Anh D. Cameron khi còn nắm quyền từng bác bỏ việc cho phép Scotland tiến hành cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai về việc tách khỏi Vương quốc Anh bởi vấn đề này chỉ có thể diễn ra “một lần trong một thế hệ” nhưng câu chuyện ly khai của Scotland lại bắt đầu được bàn tán công khai.

Các nhà phân tích đã vẽ nên viễn cảnh rằng nếu Scotland độc lập, Vương quốc Anh sẽ mất 1/3 diện tích đất, 8% dân số, 10% doanh thu thuế và những thiệt hại không thể đo đếm về văn hóa và chính trị. Nhiều tổ chức tài chính như Ngân hàng Hoàng gia Scotland (RBS), hãng bảo hiểm khổng lồ Standard Life, Tập đoàn Ngân hàng Lloyds sẽ phải chuyển một số hoạt động về Anh để đảm bảo họ vẫn là một phần của hệ thống thuế và tiền tệ của Anh.

Không những thế, nếu không còn Scotland, ảnh hưởng của Anh trên thế giới sẽ bị suy yếu. Việc phân chia quyền lợi giữa hai bên cũng sẽ rất phức tạp, chưa kể quá trình di chuyển các kho vũ khí hạt nhân của Anh khỏi Scotland sẽ rất tốn kém và phải mất nhiều thời gian. Trên bình diện quốc tế, việc Scotland độc lập sẽ tạo ra “cơn lốc ly khai” cho rất nhiều vùng đất, từ Catalonia ở Tây Ban Nha đến khu vực nói tiếng Hà Lan Flemish của Bỉ… Câu chuyện đi - ở của Scotland chưa biết bao giờ mới kết thúc.