“Lá chắn” của tham vọng
(ANTĐ) - Chỉ một ngày sau khi thỏa thuận về hệ thống “lá chắn tên lửa châu Âu” được ký giữa Mỹ ở Ba Lan, Ukraine đã lên tiếng đề nghị hợp tác với phương Tây trong lĩnh vực này. Lá chắn được coi là “phòng thủ” lại có thể tiến gần thêm về phía Nga.
Thành phố Slupsk - nơi Mỹ sẽ đặt 10 tên lửa đánh chặn |
Bộ Ngoại giao Ukraine thông báo nước này có thể mời các đối tác châu Âu kết nối hệ thống cảnh báo sớm của họ với hệ thống của Ukraine để chống lại các cuộc tấn công bằng tên lửa. Ngoài ra, Ukraine cũng sẵn sàng hợp tác với “những nước nào quan tâm tới việc thu nhận thông tin về tình hình trong không gian”.
Giải thích cho quyết định này, Ukraine nói rằng việc hiệp ước phòng thủ Nga-Ukraine “chết yểu” hồi đầu năm nay “đã cho phép nước này thiết lập quan hệ hợp tác tích cực với các nước châu Âu”.
Ra đời dưới lý do ngăn chặn nguy cơ từ những tên lửa của Iran và CHDCND Triều Tiên với an ninh của Mỹ, “lá chắn tên lửa châu Âu” là bộ phận cấu thành của một hệ thống tên lửa đánh chặn đã được lắp đặt ở Mỹ và Grinlen (Anh).
Theo dự tính của Mỹ, đến năm 2011-2013, hệ thống này sẽ có thêm 10 tên lửa đánh chặn ở Ba Lan cộng với một cơ sở rađa ở Séc. Cơ sở tên lửa đánh chặn ở Ba Lan sẽ được đặt tại ngoại ô thành phố Slupsk (nằm sát biển Bantích), việc xây dựng có thể bắt đầu từ năm nay và hoàn tất trong giai đoạn 2014-2016.
Trong trường hợp Ukraine, việc tham gia “lá chắn” này chắc chắn không phải xuất phát từ mối đe dọa của tên lửa Iran và CHDCND Triều Tiên bởi giữa hai bên không có và trong tương lai cũng khó có khả năng nảy sinh mâu thuẫn. Vậy “phòng thủ” để “chống” ai? Không nói công khai nhưng ai cũng hiểu đối thủ mà Ukraine giả định chính là Nga.
Quan hệ Nga - Ukraine đang xấu đi sau khi Kiev tuyên bố sẽ không cho phép các tàu chiến của Nga tham gia cuộc chiến ở Gruzia được phép trở lại căn cứ Sevastopol mà Nga đang thuê của Ukraine.
“Không khảo mà xưng”, hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu đã lộ rõ như công cụ răn đe nước Nga, đặt nước Nga vào thế yếu trong cuộc đối đầu hạt nhân với Mỹ.
Mở đầu có thể là 10 tên lửa đánh chặn đặt ở Ba Lan nhưng trong tương lai, nếu như có thêm các nước khác như Ukraine tham gia, quy mô của “lá chắn” này chắc chắn sẽ không dừng ở mức khiên tốn như vậy.
Lúc đó, ai có thể ngăn “lá chắn” này phình to đến mức có thể vô hiệu hóa kho vũ khí hạt nhân của Nga - đối trọng đang tạo ra sự cân bằng chiến lược giữa Nga và Mỹ.
Như vậy, “lá chắn phòng thủ” chính là “lá chắn” cho những tham vọng lớn hơn của Mỹ trong cuộc đua với Nga và nó buộc nước Nga phải có biện pháp trả đũa.
Vài ngày sau khi xung đột tại Nam Ossetia bùng nổ, khi được hỏi về khả năng xảy ra “chiến tranh thế giới” lần thứ ba, cựu Tổng thống Gruzia E. Shevardnadze đã khẳng định: “Tôi nghĩ chưa phải lúc để nói đến chuyện này. Nhưng nếu Mỹ muốn xây dựng vũ khí hạt nhân, thì ai cấm Nga làm điều đó. Kết cục là sẽ xuất hiện một cuộc chiến tranh lạnh mới...”.
Chưa biết “lá chắn tên lửa châu Âu” của Mỹ còn dẫn đến những mâu thuẫn tiềm ẩn gì nữa khi tầm hoạt động của nó cứ vươn xa dần?
Hoàng Sơn