Kỳ lạ tộc người biết về tiền kiếp ở Trung Quốc

ANTĐ - Nhiều người dân tộc Động tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc tự nhận là người biết chuyện tiền kiếp. Không ít chuyên gia đã đến đây tìm hiểu nhưng chưa đưa ra được kết luận chính thức. Trong khi đó, giới chức hy vọng tận dụng nhóm người “chuyển thế” để phát triển du lịch.
Kỳ lạ tộc người biết về tiền kiếp ở Trung Quốc ảnh 1

Một xã có đến 110 người biết mình đầu thai 

Gặp bà Thạch Sảng Nhân, hơn 50 tuổi, ở làng Lũy Dương Trại, xã Bình Dương, huyện Thông Đạo, thành phố Hoài Hóa, tỉnh Hồ Nam vào một ngày thời tiết âm u, các phóng viên báo Tân Kinh được nghe câu chuyện kỳ lạ về vùng đất nằm bên dòng Đô Lũy này. Bà Thạch tự nhận là người biết về kiếp trước của mình.

Trước khi đầu thai, bà tên là Diêu Gia An, sinh năm 1936, năm 24 tuổi bị sốt cao rồi tử vong, 3 năm sau đầu thai vào gia đình họ Thạch. Bà Thạch cho biết, ký ức về kiếp trước được khơi lại vào một lần bà trượt chân ngã lúc leo cầu thang. Theo những người già địa phương kể, hồi năm 1960, bà Diêu Gia An qua đời sau 3 ngày sốt cao. Con trai của bà Diêu Gia An – Ngô Xuân cho biết: “Những chuyện bà Thạch kể trùng khớp với một số  việc xảy ra khi mẹ tôi còn sống”. Ông Ngô Xuân lớn hơn bà Thạch Sảng Nhân 2 tuổi, nhưng ông vẫn gọi bà là mẹ và còn giúp bà tu sửa nhà cửa.

Kỳ lạ tộc người biết về tiền kiếp ở Trung Quốc ảnh 2

Bà Thạch Sảng Nhân hay Hà Tư Na đều tự nhận là biết  tiền kiếp của mình

Cách nhà bà Thạch không xa là gia đình họ Hà. Nhà này có cô con gái tên Hà Tư Na. Cha của Hà Tư Na, ông Hà Bân cho biết, tiền kiếp của con gái ông chính là cô em ruột của ông đã mất cách đây 29 năm vì đuối nước. Khi Tư Na được 2 tuổi, cô bé đã hỏi ông nên gọi ông là anh trai hay là cha.  

Từ sau đó, Tư Na kể về chuyện kiếp trước ngày càng nhiều và những câu chuyện trùng hợp một cách kỳ lạ với cuộc đời người cô đã mất của cô bé. Theo ông Hà Bân, một ngày mùa hạ năm 1986, cô ruột của Tư Na tên Hà Cần bị đuối nước ở sông Đô Lũy sau khi đi chặt củi. Năm nay Tư Na 26 tuổi, đã lập gia đình, có một con trai, nhưng ông Hà Bân không một lần gọi cô là “con gái”, đều dùng tên họ để xưng hô.

Một trường hợp tương tự cũng xảy ra ở gia đình ông Dương Cương Đệ. Đứa con trai mới 5 tuổi của ông Đệ tên Dương Vu 3 năm trước khi vừa biết nói đã tự nhận mình là người “luân hồi chuyển thế”. Một buổi đêm đang ngủ cùng bà, Dương Vu giật mình tỉnh dậy và nhận là cha của ông Dương Cương Đệ, người tử vong do rơi xuống từ mái nhà trong lúc sửa chữa.

Theo thống kê của chính quyền xã Bình Dương, người tự nhận là đầu thai chuyển kiếp ở đây có 110 người. Hiện đây là nhóm người biết về tiền kiếp đông nhất và sinh sống tập trung nhất trên thế giới.

Kỳ lạ tộc người biết về tiền kiếp ở Trung Quốc ảnh 3

Người dân tộc Động thực hiện một nghi lễ tôn giáo

Phát triển du lịch từ hiện tượng “thần bí”

Năm 2011, chính quyền huyện Thông Đạo đã phối hợp với Viện khoa học xã hội Trung Quốc làm rõ hiện tượng người biết về tiền kiếp ở xã Bình Dương. Sau đó, họ kết luận: “Có sự tồn tại của người đầu thai chuyển kiếp, nhưng chưa tìm ra căn cứ khoa học”.

Ông Hồ Ích Long, người đứng đầu bộ phận tuyên truyền của huyện Thông Đạo cho hay, cách đây 2 năm, cơ quan tuyên truyền huyện đã mời một số công ty truyền thông và chuyên gia về não bộ thuộc một bệnh viện có tiếng ở thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam về địa phương để nghiên cứu. “Họ ở lại đây tìm hiểu nhiều ngày nhưng vẫn không lý giải được” – ông Hồ Ích Long cho biết. 

Giáo sư Hoàng Phổ thuộc Đại học Trung Nam ở thành phố Trường Sa cùng nhiều chuyên gia khác cũng đã chục lần tới thăm xã Bình Dương. Ông  sử dụng kỹ thuật thôi miên và máy kiểm tra nói dối để kiểm chứng những điều người “luân hồi chuyển thế” kể về kiếp trước. “Tôn trọng ý kiến của người địa phương, chúng tôi đã chọn những đêm “nặng âm khí” để kiểm tra tính chân thực của người tự nhận biết về tiền kiếp” – ông Hoàng cho biết.

Theo Giáo sư này, kết quả trên máy kiểm tra nói dối cho thấy những người tự nhận “chuyển thế” không hề dối trá. Nếu thuận lợi, đến tháng 9 kết luận bước đầu của nhóm ông sẽ được công bố. Chủ tịch huyện Thông Đạo, ông Triệu Húc Đông cho rằng, hiện tượng nhóm người tự nhận biết về tiền kiếp của địa phương là rất đặc biệt và chính quyền huyện đang nghiên cứu đưa hiện tượng này trở thành tiềm năng phát triển du lịch.

 Sau khi những thông tin này được đăng trên báo Tân Kinh, nhiều học giả đã lên tiếng rằng, dựa vào hiện tượng người “chuyển thế” để phát triển du lịch là không ổn. Nếu muốn người dân thoát nghèo, chính quyền nên nâng cao nhận thức văn hóa cho nhân dân, phổ cập khoa học, thay vì dựa vào hiện tượng thần bí.  

Thực tế, sau khi tới xã Bình Dương tìm hiểu, phóng viên báo Tân Kinh cũng không khỏi nghi ngờ khi phát hiện những gia đình có người thân biết về tiền kiếp đều chung đặc điểm: Gia đình có người chết bất thường, mọi ký ức kiếp trước được khơi ra ở tuổi học nói và thời điểm đó chỉ có người trong gia đình nghe thấy họ kể.

 Những người lớn tuổi tự nguyện kể về kiếp trước đều có hoàn cảnh rất khó khăn, lệ bất thành văn, muốn người “chuyển thế” mở lời thì cần một ít tiền cảm ơn họ. Được biết, kinh tế của xã Bình Dương chủ yếu dựa vào nông nghiệp, thanh niên phải xa quê đi làm, nhiều thôn làng chỉ còn người già và trẻ nhỏ.