Kỳ lạ câu chuyện chó đá bảo vệ làng

ANTĐ - Thôn Thượng (xã Viên Nội, huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội), nằm sát con đường lớn trải nhựa. Ở ngay lối vào làng là một cặp chó đá án ngữ sừng sững hai bên, hướng nhìn thẳng ra đường. Nhìn cặp chó đá rất oai phong và hùng dũng, đứng gác ở cổng làng nhiều người qua đây không khỏi thắc mắc về lai lịch của cặp chó đá này. Tuy nhiên điều khiến du khách tò mò nhất là câu chuyện bí ẩn xảy ra xung quanh đôi chó đá ấy.

 Kỳ lạ câu chuyện chó đá bảo vệ làng ảnh 1
Chó đá bảo vệ làng

Theo cụ Kim Văn Duyên, trong làng lâu nay vẫn truyền nhau câu chuyện về nguồn gốc của cặp chó đá này là do một người đem từ trong Thanh Hóa ra hiến tặng để ở đình làng cách đây khoảng 300 năm. Ban đầu, cặp chó đá này được chạm khắc cực kỳ công phu với đầy đủ các hoa văn, chi tiết trang trí rất tinh xảo như đuôi, mắt, tai… nhưng trải qua thời gian, nhiều chỗ đã bị sứt vỡ, hư hại. Không chỉ bị thời gian bào mòn mà cặp chó đá này còn bị con người phá hoại rất nhiều lần, đáng kể nhất là vào khoảng tháng 4-1950, khi giặc Pháp kéo về chiếm đóng tại đồn Ba Thá. Trong một lần đi càn, một tên lính Pháp khi nhìn thấy cặp chó đá đã giương súng bắn và làm hư hỏng nặng phần đầu của một trong hai con.

Cặp chó đá ở đầu thôn Thượng xã Viên Nội được tạc bằng đá xanh nguyên khối, mỗi con cao khoảng 90cm, nặng khoảng 300kg. Theo nhiều người có kiến thức và am hiểu trong làng thì cặp chó này được tạc với lối kiến trúc, điêu khắc thời Lê. Trước đây cặp chó đá được đặt trước lối vào đình làng ở ngoài đê, sau khi đình chuyển vào trong làng thì cặp chó đá cũng được đem theo. Tuy nhiên, phải trải qua một biến cố thì đôi chó đá mới được đem ra đặt ở đầu làng như hiện nay. Câu chuyện theo cụ Duyên cho biết, thì cách đây hơn 70 năm về trước, khi đó quyền cách mạng có sơ tán một kho bí mật về cất giữ tại làng.

Biết được tin đó nên tháng 3-1946, một toán cướp đã đánh ô tô về làng với ý định cướp kho. Khi đó, lực lượng bảo vệ kho yếu thế hơn so với đám cướp vừa đông vừa hung hãn lại được vũ trang đầy đủ nên đã đánh kẻng báo động. Nhận được tin báo, người dân trong làng đã nhanh chóng mang vũ khí kéo ra đầu làng bao vây toán cướp, đồng thời huy động người khiêng cặp chó đá lên đặt trên đường ngay trước ô tô và thiết lập các chướng ngại vật khác nhằm ngăn cản không cho toán cướp tháo chạy đem theo kho tàng của chính quyền cách mạng. Sau đó thấy rằng ở đầu làng đồng thời cũng là đầu xã cần phải có vật gì trấn giữ nên người dân đã thống nhất để cặp chó đá từ đó đến nay.

Những câu chuyện bí ẩn

Xung quanh cặp chó đá này người dân đồn đại nhiều chuyện ly kỳ, bí ẩn như chúng có khả năng ngăn chặn tai ương, xua đuổi tà ma không cho xâm nhập vào làng. Tuy nhiên, đối với người dân nơi đây thì kỳ lạ nhất đó chính là chuyện cặp chó đá này dù bị trộm lấy đi nhưng vẫn tự... biết đường quay về. Cụ Nguyễn Thị Hạ người thôn Thượng, cho biết: Vụ trộm chó đá xảy ra cách đây đã 6 năm nhưng đến giờ nhiều người vẫn nhớ như in.

Đó là vào khoảng tháng 3-2006, lợi dụng đêm tối, kẻ gian đã đánh hẳn xe ô tô dừng ở đầu làng, hì hục đào bới rồi “bắt trộm” một “cụ” chó đá của làng mang đi. Sáng hôm sau, một người dân trong làng đi chợ sớm đã tá hỏa khi thấy con chó đá nằm phía bên phải của làng đã “không cánh mà bay”. Tin động trời ấy chẳng mấy chốc lan khắp cả làng trên xóm dưới, ai cũng hoang mang vì xưa nay chuyện như vậy chưa từng xảy ra. Vụ việc nhanh chóng được báo lên chính quyền địa phương bủa đi khắp nơi truy tìm nhưng tất cả mọi nỗ lực tìm kiếm đều không đem kết quả khiến nhiều người trong làng đinh ninh rằng “cụ” chó đá vừa có giá trị tâm linh, lại vừa là cổ vật của làng mình đã mất hẳn rồi, nên mất ăn, mất ngủ vì tiếc.

Bẵng đi khoảng gần một năm sau, có một chị lấy chồng ở huyện bên khi về làng chơi, nghe mọi người kể lại chuyện làng bị “mất trộm chó đá” thì giật mình chị cho biết ở xã nơi chị đang ở có gia đình trưng một con chó đá khá giống “cụ” chó đá của làng. Nghe tin này, các cụ bô lão trong làng liền tất tả tới nơi để xem và nhận ra đó đúng là “cụ” chó đá của làng bị lấy trộm. Hỏi ra mới biết chủ của “cụ” chó đá vì thấy con chó đá đẹp nên đã bỏ ra một số tiền khá lớn để mua lại để đem về trưng tại nhà.

Sau khi biết được gốc tích của con chó đá này, ông ta đã ngỏ lời xin được làm lễ trả chó đá về lại vị trí cũ. Sau này, nhiều người cho rằng từ khi ông ta mua con chó đá đó, gia đình liên tục xảy ra những chuyện lục đục không hay, việc làm ăn buôn bán cũng gặp nhiều khó khăn, trắc trở và những điều đó là do “cụ” chó đá trừng phạt nên. Sau khi hoàn thành việc đưa chó đá về vị trí cũ, mọi chuyện trong gia đình ông ta đã êm ấm trở lại, việc làm ăn buôn bán cũng thuận lợi hơn.

Chuyện ly kỳ về cặp chó đá vẫn chưa hết. Cách đây hơn một năm, có hai thanh niên khi đi đến đoạn đường ngay phía trước cặp chó đá thì tử vong vì bị ngã xe. Khi xem tuổi của hai thanh niên xấu số này, mọi người đều bất ngờ vì cả hai đều tuổi Tuất, nên nhiều người đồn đoán cho rằng vì cùng tuổi, “hợp vía” nên hai thanh niên kia đã bị hai “cụ” chó đá “rước đi”. Từ đó, vào những ngày lễ, ngày tết mỗi khi đi qua đoạn đường này, có người dừng lại thắp hương, cắm hoa trước hai “cụ” chó đá để khấn cầu. Cứ thế, những câu chuyện truyền từ miệng người này qua miệng người khác chẳng biết đúng sai thế nào nhưng mỗi người lại thêm thắt vào một vài tình tiết trong việc trở về của “thần khuyển” và cái chết của hai thanh niên kia lại càng khiến nhiều người tin vào sự bí ẩn, linh thiêng của cặp chó đá.

Tuy nhiên, cụ Trần Văn Biên - Hội trưởng Hội người cao tuổi xã Viên Nội khẳng định những câu chuyện mang đậm yếu tố ly kỳ, bí ẩn xung quanh cái chết của hai thanh niên tuổi Tuất ngay cạnh nơi đặt cặp chó đá chẳng qua chỉ là sự ngẫu nhiên. Bởi đoạn đường đê này trước đây toàn đá sỏi rất khó đi nhưng sau khi trải nhựa, nâng cấp thành đường tỉnh lộ 429, đường bằng phẳng, rộng rãi hơn, vì thế xảy ra và tình trạng nhiều thanh niên phóng nhanh vượt ẩu, gặp đoạn đường cua ngay đầu làng, lại không chú ý quan sát nên bị lạc tay lái, tai nạn xảy ra là khó tránh khỏi. Theo cụ Biên về câu chuyện chó đá sau khi bị mất trộm rồi người mua đem trả lại thì hoàn toàn không có gì là kỳ lạ, bí ẩn cả bởi người chủ đó đã phải bỏ ra một số tiền khá lớn lại vô tình mua phải đồ ăn trộm mà có, khi biết rõ nguồn gốc cặp chó đá và lại có xác nhận của chính quyền địa phương nơi cặp chó đá bị mất nữa thì chả ai muốn giữ lại làm gì người mua chả dại gì tiêu thụ đồ gian, dính dáng tới pháp luật, nên đem trả lại là chuyện đương nhiên.

Tục thờ chó đá của người Việt

Từ câu chuyện về cặp chó đá ở thôn Thượng, theo nhiều nhà nghiên cứu, trong văn hóa của người Việt tín ngưỡng dân gian thờ cúng tự nhiên đã giữ một vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân. Và trong các tín ngưỡng dân gian ấy, phải kể đến tín ngưỡng thờ động vật, mà cụ thể là tục thờ chó đá. Tục thờ chó của người Việt được thể hiện dưới hai hình thức. Một là chôn chó đá trước cổng nhà như một linh vật để canh cổng với ý nghĩa trừ tà, cầu phúc. Hai là đặt chó đá trên bệ thờ như một thần linh để cầu cúng, phụng thờ. Một số nơi gọi chó đá một cách kính cẩn là quan lớn Hoàng Thạch. Trên thực tế, các nhà nghiên cứu cũng đã nhận thấy hình thức chó đá giữ vai trò canh gác là khá phổ biến ở Việt Nam. Trong dân gian Việt Nam, cũng từng lưu truyền những câu chuyện về tích thờ chó đá của người Việt mà nổi tiếng là câu chuyện truyền thuyết về “ông Hoàng Thạch” ở làng Địch Vĩ (Đan Phượng, Hà Nội)

Trong tâm thức của người Việt, những con chó bình thường thì chỉ coi giữ được phần dương, còn muốn canh giữ phần âm thì phải “nuôi” chó đá. Những gia đình giàu có chôn chó đá để canh giữ cửa nhà và thể hiện sự quyền uy, phú quý của gia chủ. Nhà phong thuỷ chôn chó đá để thay đổi dương cơ, âm phần, tránh được những hiểm họa do thế đất xấu gây ra. Còn dân gian chôn chó đá để xua đuổi tà ma, quỷ quái. Có thể thấy rằng, tín ngưỡng thờ chó đá đã có từ rất lâu và cho đến nay vẫn còn được gìn giữ trong văn hóa của người Việt. Rất khó để chứng minh sự màu nhiệm của tín ngưỡng này, nhưng chắc chắn rằng khi có niềm tin, con người sẽ thoải mái, an tâm và cảm thấy cuộc sống tốt đẹp hơn. Và đây cũng chính là giá trị đích thực của tín ngưỡng thờ chó đá trong tâm thức người Việt.