Kinh tế xanh tạo hàng chục triệu việc làm

ANTD.VN - Chuyển đổi từ nền “kinh tế nâu” sang “kinh tế xanh” có thể làm mất đi hàng triệu việc làm, song cũng giúp gia tăng thêm hàng chục triệu việc làm khác khi thúc đẩy nền kinh tế thân thiện hơn với môi trường.

Kinh tế xanh tạo hàng chục triệu việc làm ảnh 1Phát triển kinh tế xanh có thể giúp tạo thêm hàng chục triệu việc làm

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) khi công bố báo cáo “Việc làm và các vấn đề xã hội trên thế giới năm 2018: Một nền kinh tế xanh và tạo công ăn việc làm” vào ngày 14-5 vừa qua đã cho rằng 24 triệu việc làm sẽ được tạo ra trên toàn thế giới từ nay đến năm 2030 nếu các Chính phủ thực hiện các chính sách thúc đẩy nền kinh tế thân thiện hơn với môi trường. 

Báo cáo này đã phần nào giảm thiểu mối lo ngại rằng việc chuyển đổi từ “kinh tế nâu” (nền kinh tế tác động xấu tới môi trường) sang “kinh tế xanh” (nền kinh tế thân thiện hơn với môi trường) có thể làm mất đi nhiều việc làm.

Nền “kinh tế nâu” từ hàng trăm năm nay đã làm thay đổi căn bản cuộc sống con người trên Trái đất, song cũng mang lại những hậu quả tàn phá môi trường ngày càng nghiêm trọng. Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí “Nature Climate Change”, nhiệt độ Trái đất tăng cao có thể gây thiệt hại tới 24.000 tỷ USD cùng vô vàn hệ lụy khôn lường khác.

Nhằm cứu Trái đất khỏi thảm họa nóng lên do môi trường bị tàn phá, Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) từ năm 2010 đã xác định thế giới cần chuyển từ “kinh tế nâu” sang “kinh tế xanh” (Green Economy) là nền kinh tế ít phát thải carbon, tiết kiệm tài nguyên, tạo ra việc làm và công bằng xã hội nhằm vừa mang đến hạnh phúc cho con người vừa giảm thiểu đáng kể các rủi ro về môi trường và khủng hoảng sinh thái. Tuy nhiên, một trong những hệ quả không mong muốn của sự chuyển đổi này, theo ILO dự kiến, ít nhất 1/2 lực lượng lao động trên toàn cầu, hay 1,5 tỷ người, có thể bị ảnh hưởng, hàng triệu người mất việc làm.

Nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực, đồng thời gia tăng các cơ hội việc làm trong quá trình chuyển đổi, ILO và Tổ chức Sáng kiến việc làm xanh (GJI) đề xuất 4 biện pháp chính sách then chốt cần được thúc đẩy trong quá trình chuyển sang nền kinh tế xanh. 

Bao gồm: Thúc đẩy và thực hiện các quá trình sản xuất bền vững ngay ở mức độ kinh doanh; Mở rộng bảo vệ xã hội, hỗ trợ thu nhập và các biện pháp đào tạo các kỹ năng để đảm bảo người lao động có thể tận dụng được các cơ hội mới; Cung cấp khuôn khổ pháp lý và thể chế cho việc làm trong nền kinh tế xanh hơn và bền vững hơn; và Quản trị phát triển bền vững.

Cụ thể hơn, ILO cho rằng 6 triệu việc làm mới sẽ được tạo ra thông qua áp dụng các tiêu chuẩn bền vững trong lĩnh vực năng lượng, bao gồm cả việc thay đổi cơ cấu năng lượng, thúc đẩy việc sử dụng xe điện và nâng cao hiệu quả năng lượng của các tòa nhà. Các dịch vụ hệ sinh thái, bao gồm thanh lọc không khí và nước, cải tạo và bón phân cho đất, kiểm soát dịch hại cũng như các công việc thụ phấn và bảo vệ động thực vật chống lại điều kiện thời tiết khắc nghiệt sẽ tạo ra thêm khoảng 1,2 tỷ việc làm. 

Báo cáo công bố ngày 14-5 của ILO dự báo các khu vực châu Mỹ, châu Á-Thái Bình Dương và châu Âu sẽ tăng số lượng việc làm lần lượt lên tới 3,14 và 2 triệu việc làm nhờ các biện pháp cải tiến áp dụng trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng. Tuy nhiên, Trung Đông và châu Phi nhiều khả năng sẽ tiếp tục mất đi một lượng việc làm, lần lượt khoảng 0,48% và 0,04%. 

Các chuyên gia của ILO cũng trấn an rằng, việc thay đổi chính sách ở các khu vực như  Trung Đông hay châu Phi sẽ có thể bù đắp những mất mát về việc làm và các chính sách thích hợp sẽ giúp làm giảm tác động tiêu cực của việc cắt giảm việc làm trong ngắn hạn do thực thi những biện pháp chống biến đổi khí hậu.