Kinh tế Trung Quốc trước bước ngoặt lớn

ANTĐ - Trung Quốc đang đứng trước lựa chọn không dễ dàng về chiến lược tăng trưởng kinh tế trong kế hoạch 5 năm 2016-2020 lần thứ 13, đó là sẽ quyết định ưu tiên cho tăng trưởng như những năm qua hay là cải cách.

Kinh tế Trung Quốc trước bước ngoặt lớn ảnh 1Tăng trưởng “nóng” thời gian dài đã khiến kinh tế - xã hội Trung Quốc tích tụ nhiều bất ổn 

Hội nghị Trung ương 5 khóa 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra từ ngày 26 đến 29-10 tại Thủ đô Bắc Kinh được cho là có tầm quan trọng đặc biệt trong việc xác định phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia đông dân nhất thế giới này trong tương lai. Hội nghị này sẽ quyết định các chỉ tiêu lớn của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2016-2020, còn gọi là “Kế hoạch 5 năm lần thứ 13”. 

Việc Hội nghị Trung ương 5 xác định các chỉ tiêu, đặc biệt là chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của kế hoạch phát triển 5 năm tới sẽ quyết định tới chiến lược phát triển kinh tế của Trung Quốc trong tương lai. Nếu đặt mục tiêu tăng trưởng tiếp tục cao trên 7% như hơn 20 năm qua, Trung Quốc sẽ phải tiếp tục thực thi các chính sách để phục vụ tốc độ tăng trưởng nóng; song trong trường hợp hạ tăng trưởng xuống dưới mốc 7%, nước này sẽ tập trung vào cải cách nhằm giải quyết các bất ổn cả về kinh tế và xã hội.

Theo đuổi mục tiêu tăng trưởng cao nhằm cứ sau 10 năm lại tăng gấp đôi GDP, Trung Quốc đã dồn mọi nguồn lực cho ưu tiên số 1 là tăng trưởng nhanh nhất có thể. Kinh tế tăng trưởng hơn 7%/năm suốt hơn 20 năm liên tục, trong đó nhiều năm ở mức 8-9%, đã đưa Trung Quốc lần lượt vượt các “ông lớn” như Đức, Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ.

Tuy nhiên, thực thi chính sách ưu tiên tăng trưởng kinh tế nóng trong thời gian dài, Trung Quốc đã tích tụ ngày càng nhiều các nhân tố bất ổn không chỉ với kinh tế mà đáng lo ngại hơn là với xã hội. Điển hình là chênh lệch giàu nghèo, ô nhiễm môi trường gia tăng tới mức có thể gây bùng nổ xã hội hay bong bóng bất động sản, chứng khoán đầy lo ngại… 

Những bất ổn về kinh tế - xã hội hiện nay của Trung Quốc đã lớn tới mức không thể không sớm giải quyết và Hội nghị Trung ương 5 chính là nơi sẽ đưa ra quyết sách lớn nhất, quyết định tới sự phát triển của cường quốc đang trỗi dậy này trong tương lai. Song đưa ra quyết định tiếp tục duy trì tăng trưởng nóng hay giảm tăng trưởng để tập trung cải cách nhằm giải quyết các nhân tố bất ổn đều không dễ dàng.

Giới quan sát đưa ra hai “kịch bản” tăng trưởng tại Hội nghị Trung ương 5, theo đó “kịch bản” tăng trưởng thấp dưới 7%/năm, cụ thể là đặt mục tiêu 6,5 - 7%/năm và “kịch bản” tăng trưởng cao hơn 7% mỗi năm. Đặt mục tiêu tăng trưởng thấp 6,5 - 7%, Trung Quốc có điều kiện để san sẻ bớt các nguồn lực nhằm giải quyết các vấn đề nóng bỏng như: ô nhiễm môi trường, chênh lệch giàu nghèo…

Tuy nhiên, theo chiến lược phát triển 10 năm thông qua trước đó, Trung Quốc đã đề ra tăng gấp đôi GDP trong thời gian 2011-2020 nhằm đạt được  mục tiêu lớn là đưa Trung Quốc trở thành “xã hội thịnh vượng” vào năm 2020. Nay nếu giảm mục tiêu tăng trưởng trong kế hoạch 5 năm 2016-2020, Trung Quốc có thể không hoàn thành mục tiêu “xã hội thịnh vượng” sau 5 năm nữa.

Việc Trung Quốc chọn ưu tiên tăng trưởng hay cải cách sẽ được sáng tỏ khi Hội nghị Trung ương 5 kết thúc vào ngày 29-10 tới. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng kinh tế nước này sẽ có bước ngoặt lớn bởi mục tiêu tăng trưởng 6,5 - 7% trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 13.