Kinh tế thế giới giảm tốc

ANTĐ - Hy vọng mong manh về sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu bị giội một gáo nước lạnh khi định chế tài chính hàng đầu thế giới Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) một lần nữa hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu.
Kinh tế thế giới giảm tốc ảnh 1
Nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại khi dự báo chỉ tăng 7,4% năm nay và 7,1% năm 2015

Trong báo cáo cập nhật “Triển vọng kinh tế thế giới” công bố ngày 7-10, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tốc độ tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của kinh tế toàn cầu chỉ đạt 3,3% trong năm nay. IMF cũng hạ tốc độ tăng GDP của kinh tế thế giới trong năm 2015 từ 4% xuống còn 3,8%. Đây là lần thứ ba trong năm nay, định chế tài chính lớn bậc nhất toàn cầu này giảm dự báo về tăng trưởng kinh tế thế giới.

Trước đó, trong báo cáo tương tự công bố cuối tháng 7 vừa qua, IMF đã dự báo kinh tế toàn cầu năm 2014 chỉ tăng 3,4%, thấp hơn so với mức dự báo 3,7% đưa ra hồi tháng 4. Khi hạ dự báo tăng trưởng GDP thế giới hồi tháng 7, IMF nhận định kinh tế thế giới có thể tiếp tục suy yếu do tình trạng giảm sút trong các nền kinh tế hàng đầu thế giới cũng như các thị trường mới nổi và những xung đột địa chính trị tại Ukraine và Trung Đông.

Tương tự lý do đưa ra cách đây hơn 2 tháng, nói về cơ sở lần thứ ba hạ dự báo tăng trưởng GDP thế giới, IMF cho biết  tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm sút do triển vọng không mấy sáng sủa tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), Trung Đông và Nhật Bản, cũng như tình hình suy thoái ở một số thị trường mới nổi. Theo IMF, khủng hoảng Ukraine và bất ổn ở Trung Đông khiến giá xăng dầu thế giới tăng cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến các giao dịch thương mại quốc tế, đe dọa tăng trưởng kinh tế thế giới. 

Nhà kinh tế trưởng của IMF Olivier Blanchard cho biết, trong khi nền kinh tế lớn nhất và phát triển nhất thế giới là Mỹ trở thành “điểm sáng” với GDP có thể tăng 2,3% trong năm nay và 3,1% trong năm 2015 thì các nền kinh tế phát triển khác như Eurozone và Nhật Bản chỉ phục hồi “ì ạch” với các mức tăng lần 0,8% và 1,3%, 0,9% và 0,8% trong năm nay và năm 2015. Do vậy, các nền kinh tế phát triển chỉ tăng 1,8% trong năm nay và 2,3% trong năm 2015, thấp hơn mức dự báo 2,4% đưa ra hồi tháng 7. 

Trong các nền kinh tế mới nổi vốn được xem là động lực của kinh tế toàn cầu từ sau cuộc khủng hoảng năm 1998, kinh tế Trung Quốc gây thất vọng khi liên tục mất đà giảm tốc. Từ mức tăng trưởng hơn hai con số những năm trước, tăng GDP của Trung Quốc đã giảm xuống 7,7% năm 2013 và liên tiếp giảm xuống 7,4% trong năm nay và 7,1% vào năm 2015, theo các dự báo của IMF.

Cuộc khủng hoảng Ukarine đã tác động tiêu cực tới kinh tế khu vực Đông Âu và tất nhiên nặng nề nhất là “người trong cuộc” Ukraine cùng Nga. Trong khi kinh tế Nga dự báo chỉ tăng 0,8%, một phần do các biện pháp trừng phạt của phương Tây và căng thẳng với Ukraine, thì GDP của Ukraine trong năm 2014 dự báo sẽ tăng trưởng âm 6,5%, cao hơn mức dự báo là âm 5% đưa ra trước đó.

Trước triển vọng kinh tế toàn cầu không mấy sáng sủa, IMF thúc giục các nền kinh tế lớn cần tiếp tục duy trì tỷ lệ lãi suất thấp để khuyến khích vay mượn, chi tiêu và tăng trưởng; cải cách mang tính cơ cấu như cải thiện chính sách đối với thị trường lao động, ngăn chặn nạn trốn thuế và tăng đầu tư để nâng cấp cơ sở hạ tầng…. Tổng Giám đốc IMF Christine 

Lagarde kêu gọi chính phủ các nước thực thi các biện pháp cứng rắn hơn và tăng cường nỗ lực đa phương tiếp sức cho kinh tế thế giới.