Kinh tế thế giới bước vào cuộc suy thoái mang tên Covid-19

ANTD.VN - Một câu hỏi được đặt ra, đó là nền kinh tế toàn cầu có đang trong tình trạng suy thoái hay không, hơn 2/3 số chuyên gia kinh tế ở châu Mỹ và châu Âu tham gia khảo sát của Hãng tin Reuters cho rằng: Đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu hiện tại đã chấm dứt. 

Sự lây lan của đại dịch Covid-19 đã khiến các thị trường tài chính thế giới chao đảo

Chuỗi tăng trưởng kỷ lục của kinh tế thế giới sẽ kết thúc

Các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc khảo sát của Hãng tin Reuters nhận định, nền kinh tế toàn cầu đang trong tình trạng suy thoái, giữa bối cảnh tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đối với hoạt động kinh tế đang ngày một lan rộng.

Thực tế, sự lây lan của dịch Covid-19 đã khiến các thị trường tài chính chao đảo, bất chấp các biện pháp kích thích khẩn cấp lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu của các ngân hàng Trung ương ở châu Âu, châu Mỹ, châu Á và Australia. Người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế toàn cầu của JP Morgan - ông Bruce Kasman nhận định không còn nghi ngờ rằng chuỗi tăng trưởng kỷ lục của kinh tế thế giới sẽ kết thúc trong quý này, và vấn đề quan trọng hiện giờ là đo lường mức độ và thời gian của cuộc suy thoái năm 2020.

Giới chuyên gia đã nhiều lần hạ triển vọng tăng trưởng trong tháng qua, đồng thời nâng dự báo về khả năng xảy ra suy thoái ở hầu hết các nền kinh tế lớn. Kinh tế toàn cầu được dự đoán sẽ tăng trưởng 1,6% trong năm nay, chỉ bằng khoảng một nửa mức tăng 3,1% được dự đoán trước đó hồi tháng 1 - đó là mức tăng yếu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn từ năm 2007 đến 2009. Tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2020 được dự báo chỉ ở mức từ -2% đến +2,7%.

Kinh tế Mỹ, Anh, Trung Quốc, Nhật Bản: Suy thoái, hạ tăng trưởng, suy giảm 

Theo kết quả một cuộc khảo sát được công bố ngày 19-3, kinh tế Mỹ đang trong tình trạng suy thoái, hoặc gần như chắc chắn sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2020. Còn đối với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, nơi khởi phát dịch Covid-19, kết quả khảo sát công bố ngày 6-3 của Hãng Reuters cho thấy triển vọng tăng trưởng của nước này đã bị hạ đáng kể cho quý 1, quý 2 và cả năm 2020. Nhưng kể từ đó đến nay, giới chuyên gia còn tiếp tục hạ dự báo nhiều hơn nữa.

Thiệt hại kinh tế từ dịch bệnh được dự báo cũng sẽ chi phối các nền kinh tế lớn khác ở châu Á, với hầu hết đều được dự đoán sẽ tăng trưởng chậm lại đáng kể, chững lại hoặc thậm chí là suy thoái trong quý 1. Kinh tế Nhật Bản, vốn đã suy giảm mạnh vào cuối tài khóa 2019, được dự báo sẽ chỉ tăng trưởng 0,1% trong tài khóa mới bắt đầu vào tháng 4-2020, giảm so với mức dự báo tăng 0,5% được đưa ra hồi tháng 2.

Sau sự lây lan nhanh của dịch Covid-19 từ Trung Quốc sang các nước khác, trong đó có châu Âu, nguy cơ suy thoái của Eurozone đã tăng lên gấp đôi trong cuộc khảo sát. Tình hình cũng không khả quan hơn tại Anh, nơi Ngân hàng Trung ương ngày 19-3 đã hạ lãi suất về gần mức 0% và tái khởi động chương trình mua tài sản. 

Kinh tế Anh được dự đoán sẽ tăng 0,1% trong quý 1 và sau đó giảm 0,3% trong quý 2-2020, giảm mạnh so với mức dự báo tăng 0,3% cho cả hai quý đầu năm được đưa ra trước đó. Trong trường hợp tồi tệ nhất, nền kinh tế của Anh được dự đoán sẽ giảm 1% trong quý tới và 0,7% cho cả năm 2020.

Ngân hàng Trung ương Anh: Covid-19 sẽ dẫn tới cú sốc kinh tế

Kinh tế thế giới bước vào cuộc suy thoái mang tên Covid-19 ảnh 2

Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) thông báo cắt giảm lãi suất từ 0,25% xuống còn 0,1%, đồng thời tăng cường thu mua trái phiếu trong nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế trước những tác động tiêu cực của đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. BoE đã đưa ra quyết định trên tại một cuộc họp đặc biệt của Ủy ban Chính sách tiền tệ mới đây. Trong thông báo của mình, BoE dự báo dịch Covid-19 sẽ dẫn tới cú sốc kinh tế “lớn và đột ngột”. Đợt hạ lãi suất mới nhất này diễn ra chỉ sau 8 ngày khi ngân hàng này hạ chi phí cho vay từ mức 0,5% xuống 0,25%. Bên cạnh đó, BoE cũng sẽ mua thêm 200 tỷ bảng (231,7 tỷ USD) trái phiếu Chính phủ và doanh nghiệp.

BoE cho biết thêm ngân hàng này đang hỗ trợ “nhằm giúp đáp ứng những nhu cầu của các doanh nghiệp và hộ gia đình Anh để đối phó với tình trạng gián đoạn kinh tế”. Thông báo này được đưa ra sau khi tân Thống đốc BoE Andrew Bailey kêu gọi các doanh nghiệp ngừng cắt giảm lao động.

Theo sau động thái mới nhất này của BoE, đồng bảng Anh đã “lấy lại sức” so với đồng USD, sau khi chạm mức thấp nhất của 35 năm giữa bối cảnh các thị trường cho rằng, Chính phủ và BoE chưa làm hết sức để giải quyết tác động của cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng. Đồng bảng Anh đã tăng 0,1% lên giao dịch ở mức 1,1719 USD/bảng sau khi giảm 4% một ngày trước đó.

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak đã công bố gói hỗ trợ cho vay của Chính phủ trị giá 330 tỷ bảng dành cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Các biện pháp này tương đương 15% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh, tuy nhiên các nhà phê bình cho rằng những biện pháp này là chưa đủ.