Kinh tế thế giới bị ảnh hưởng thế nào bởi virus Corona?

ANTD.VN - Đại dịch viêm phổi cấp do virus Corona gây ra đang hoành hành dữ dội tại Trung Quốc không chỉ ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mà còn tác động mạnh tới nền kinh tế toàn cầu ngay trong những ngày đầu năm 2020.

Đại dịch virus viêm phổi cấp bùng phát ở Vũ Hán ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế Trung Quốc 

Thông tin mới nhất do Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc công bố ngày 29-1 cho biết, số người thiệt mạng bởi dịch viêm phổi cấp do chủng virus Corona mới (nCov) gây ra đã tăng lên 132 người. Cũng theo cơ quan chịu trách nhiệm cao nhất trong lĩnh vực y tế của Trung Quốc, số ca nhiễm bệnh dịch truyền nhiễm vô cùng nguy hiểm này đã tăng lên gần 6.000 người, trong đó 263 người đang trong tình trạng nguy kịch.

Đại dịch virus Corona (còn gọi là virus Vũ Hán do xuất phát từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) không chỉ đe dọa nghiêm trọng sức khỏe, tính mạng người dân quốc gia đông dân nhất thế giới mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu này khi đã lây lan với tốc độ chóng mặt ra 30/31 tỉnh, thành của Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc đã phải ban hành lệnh “nội bất xuất, ngoại bất nhập” tại thành phố tâm điểm đại dịch Vũ Hán với 11 triệu dân, đồng thời tạm cấm công dân nước nước này đi du lịch nước ngoài.

Chính phủ Trung Quốc còn quyết định kéo dài thêm ngày nghỉ Tết Nguyên đán năm nay của nước này thêm 3 ngày, lẽ ra kết thúc ngày 30-1 (tức mùng 6 tháng Giêng âm lịch) tới ngày 2-2 (mùng 9 tháng Giêng), để hạn chế sự lây lan mạnh hơn của virus khiến hàng trăm triệu người chưa trở lại nơi làm việc sau một tuần nghỉ Tết. Bên cạnh đó, các trường học tiếp tục đóng cửa cho tới khi có quyết định mới.

Có thể thấy, đại dịch virus Vũ Hán đang tác động rất nghiêm trọng tới đời sống kinh tế - xã hội của Trung Quốc. Hứng chịu đầu tiên và trực tiếp nhất là ngành công nghiệp mũi nhọn “du lịch không khói” với hàng triệu người bị ảnh hưởng. Tiếp theo đó là các lĩnh vực tiêu thụ và khu vực sản xuất của nền kinh tế thứ hai toàn cầu này.

Những tác động nặng nề hiện nay của đại dịch virus Vũ Hán làm liên tưởng tới đại dịch viêm đường hô hấp cấp (SARS) hồi năm 2002-2003 với Trung Quốc và kinh tế khu vực cũng như toàn cầu. Giới chuyên gia cho rằng, so với dịch bệnh SARS, đại dịch virus corona mới có khả năng gây thiệt hại nghiêm trọng hơn cho kinh tế toàn cầu vì Trung Quốc hiện nay đã chiếm tỷ trọng lớn hơn gấp hai lần trong nền kinh tế thế giới so với cách đây 17, 18 năm. 

Trung Quốc mới chỉ chiếm 8,9% tỷ trọng kinh tế toàn cầu vào năm 2003 - thời điểm dịch bệnh SARS bùng phát, nhưng hiện nay đã lên tới 20%. Cùng với đó, ngành du lịch chiếm 39% tỷ trọng kinh tế trong nước Trung Quốc năm 2003, nhưng nay đã tăng lên mức 59% vào năm 2019. Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn hiện nay của Trung Quốc, đồng thời tạo nguồn thu quan trọng cho nền kinh tế khu vực cũng như toàn cầu.

Đại dịch virus Vũ Hán chắc chắn sẽ gây hậu quả nghiêm trọng tới nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2020 này do các hoạt động du lịch, thương mại và sản xuất bị đình trệ. Giới chuyên gia kinh tế dự báo, dịch bệnh do virus Vũ Hán gây ra có thể làm nền kinh Trung Quốc, giảm từ 1%-1,5% trong năm nay, khiến tốc độ tăng trưởng GDP năm 2020 dự kiến 6% trước đó giảm xuống dưới 5%, tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong hơn 30 năm qua.

Suy giảm tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu cũng sẽ tác động không nhỏ tới tăng trưởng kinh tế của khu vực và toàn cầu. Hiện khó có thể ước đoán mức độ ảnh hưởng của sự suy giảm kinh tế khu vực và toàn cầu bởi còn phụ thuộc vào thời gian có thể khống chế đại dịch virus Vũ Hán cũng như ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh này ra bên ngoài Trung Quốc, tuy nhiên nền kinh tế khu vực và thế giới chắc chắn sẽ chịu những tác động tiêu cực.