Trung Quốc:

Kinh tế ảm đạm, công nhân bất đắc dĩ phải về quê sớm

ANTĐ - Mặc dù Trung Quốc đang phải trải qua đợt giá rét chưa từng có trong nhiều thập kỷ qua, nhưng hàng triệu công nhân ngoại tỉnh vẫn đang nườm nượp trở về quê ăn Tết. Cuộc “đại di cư” đoàn tụ những ngày năm hết tết đến này sớm hơn so với mọi năm. Nguyên nhân do nền kinh tế đất nước này suy giảm trong năm qua khiến hoạt động sản xuất bị đình trệ, thiếu việc làm, công nhân được thưởng tết ít, thậm chí không có.

Kinh tế ảm đạm, công nhân bất đắc dĩ phải về quê sớm ảnh 1

Buồn, lo lắng, thiếu thốn…

Theo South China Morning Post, hàng triệu lao động ngoại tỉnh ở Trung Quốc đã bắt đầu đổ dồn về các nhà ga, bến tàu để trở về quê nhân kỳ nghỉ Tết cổ truyền từ ngày 24-1. Các bến tàu ở Thủ đô Bắc Kinh hay nhiều thành phố lớn của Trung Quốc luôn trong tình trạng đông nghẹt người gần 2 tuần trước kỳ nghỉ Tết.

Liu Mei, 38 tuổi, quê ở huyện Tân Hóa, tỉnh Hồ Nam cùng chồng là Chu Yangjian, làm việc tại một nhà máy sản xuất đồ nội thất ở thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông. Năm nay, ông chủ của Liu cho phép công nhân nghỉ Tết sớm vì số lượng đơn đặt hàng và hoạt động sản xuất của công ty đang giảm sút. “Hoạt động kinh doanh không được suôn sẻ cho lắm, chúng tôi đã bị chậm lương 2 tháng nay. Công ty cho phép công nhân được nghỉ Tết sớm”, Liu nói. Liu và chồng sẽ mất 12 tiếng để trở về đoàn tụ với các con. Hai con của Liu hiện 9 và 14 tuổi, nằm trong số hàng chục triệu trẻ em có cha mẹ làm ăn xa tại Trung Quốc. “Tôi luôn nhớ bọn trẻ nhưng không biết phải làm gì vì tìm việc ở Tân Hóa thật khó”, Liu nói.

Liu và Chu không phải là những công dân làm việc xa quê hương duy nhất rơi vào cảnh “được” nghỉ Tết sớm nhưng không lấy làm vui. Luo Cheng, 40 tuổi và vợ cũng là lao động nhập cư, quê ở tỉnh Hồ Nam. Hai vợ chồng quyết định về quê sớm một tuần so với kỳ nghỉ năm 2015. Theo Luo, năm nay, công ty sản xuất giầy mà họ đang làm việc ở thành phố Phật Sơn có ít đơn đặt hàng. Do đó, công ty muốn cắt giảm lương bằng cách cho phép công nhân về quê sớm. “Chúng tôi có một con trai 12 tuổi và cháu đang sống cùng ông bà đã 60 tuổi”, Luo nói trong khi chạy nhanh để kịp chuyến tàu. 

Cả vợ chồng anh chị Liu - Chu và anh Luo đều lo lắng không biết sau kỳ nghỉ trở về thành phố, công ty có việc để làm nữa không và liệu họ có được thanh toán số lương còn nợ? Sự phát triển kinh tế nhanh chóng ở Trung Quốc đã tạo ra khoảng cách giàu nghèo buộc hàng triệu nông dân phải di cư ra thành phố. Hệ thống quản lý bằng hộ khẩu khiến cha mẹ không thể mang theo con cái ra thành phố, vì chúng sẽ không được đi học và hưởng các phúc lợi xã hội.

Vì vậy những người lao động phải kiếm tiền gửi về quê cho con cái họ sinh sống và học hành. Shangxue Lushang, một tổ chức phi chính phủ và thiện nguyện chuyên hỗ trợ trẻ em và những người gặp vấn đề về thần kinh, cho biết khoảng 60 triệu trẻ em Trung Quốc, tức 1/4 tổng số trẻ em cả nước, đã bị bỏ lại như thế để cho người thân chăm sóc, thường là ông bà, vốn cũng đã già, khó khăn về kinh tế, trong đó có gần 10 triệu trẻ em không hề nhìn thấy mặt cha mẹ trong 1 năm. 

Những nhà hoạt động trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình dự đoán, trong thời gian tới rất có thể số trẻ em bị bỏ lại vùng nông thôn sẽ giảm do bố mẹ chúng ngày càng chật vật hơn để kiếm được việc làm trên thành phố, bất đắc dĩ họ phải ở lại quê nhà. Những ông bố bà mẹ này được ở nhà với con cái, nhưng cuộc sống gia đình của họ sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

Kinh tế Trung Quốc suy giảm kỷ lục

Tổng cục Thống kê Trung Quốc vừa công bố tốc độ tăng trưởng GDP quý IV-2015 thấp hơn so với dự báo của giới phân tích, chỉ đạt 6,8%. Tính chung cả năm 2015, tăng trưởng GDP đạt 6,9%, thấp hơn mức mục tiêu 7% mà Chính phủ nước này đã đề ra. Đây là mức tăng trưởng theo quý thấp nhất kể từ 2009, còn tăng trưởng theo năm thấp nhất trong 25 năm vừa qua, kể từ 1990.

Trên thực tế, so với thế giới, mức tăng trưởng 6,9% không phải thấp. Tuy nhiên, tốc độ suy giảm tăng trưởng dần đều của Trung Quốc là một vấn đề đáng bàn. Từ mức 7,4% trong quý III-2014, tăng trưởng GDP đã giảm xuống còn 7,2% trong quý IV, rồi 7% trong quý I và II-2015 và quý cuối 2015 chỉ còn 6,8%. 

Kinh tế Trung Quốc chậm lại một cách khó kiểm soát. Hàng loạt các nỗ lực giúp nền kinh tế tăng tốc trở lại như: 4-5 lần hạ lãi suất, vài lần cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại, phá giá đồng nhân dân tệ và phê duyệt đầu tư công trị giá hàng trăm tỷ USD… đã thất bại. Mới đây nhất, theo Tân Hoa Xã, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã rót 360 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 55 tỷ USD, dưới hình thức mua trái phiếu của các ngân hàng thương mại. Theo chuyên gia kinh tế Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, việc bơm tiền mặt vào hệ thống tài chính này có thể được xem như biện pháp thay thế việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc.

Theo trang mạng Bloomberg, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang cố gắng ngăn đà tăng của chi phí đi vay trong bối cảnh kinh tế nước này tăng trưởng chậm nhất 25 năm qua và dòng vốn tháo chạy lên mức kỷ lục. Ước tính dòng vốn tháo khỏi Trung Quốc vào khoảng 158,7 tỷ USD trong tháng 12-2015. Tính chung phong trào rút vốn tại Trung Quốc trong năm 2015 đã khiến nước này hụt mất 1.000 tỷ USD, gấp 7 lần năm 2014.

Nhiều chuyên gia cho rằng, cỗ xe kinh tế Trung Quốc đang chững lại và mất đà tăng trưởng. Trung Quốc phải cần đến hơn 5.000 tỷ USD cũng chưa chắc đã tìm lại được đà tăng trưởng trước đó. Các biện pháp bơm thêm tiền sẽ chỉ khiến núi nợ của các doanh nghiệp Nhà nước tại quốc gia này tăng nhanh.