Kiểu làm đẹp kỳ quái của phụ nữ Ethiopya

ANTĐ - Thế giới có vô vàn những phong tục kỳ quái, những hình thức làm đẹp kinh dị. Mỗi quốc gia, mỗi địa phương có một cách làm đẹp riêng nhưng cách làm đẹp của bộ tộc Surma ở Ethiopia là phong tục căng môi bằng đĩa thì quả thực không phải ai cũng có thể làm được. Tục căng môi bằng những chiếc đĩa để trở nên hấp dẫn trong mắt đàn ông của bộ tộc Surma.

Bộ tộc Surma ở Ethiopia có chừng 30 nghìn người. Họ sống ở vùng thung lũng Omo, phía Tây Nam của Ethiopia, giáp với Sudan và Somali, trên những ngọn núi cao và khô cằn. Người Surma vẫn sống như những người nguyên thủy - biệt lập, với tiếng nói và văn hóa riêng. Người Surma cao lêu nghêu, đàn ông thường cao vượt qua 2m, đàn bà thì khoảng 1,9m và chỉ phụ nữ mới có khố da dê che chỗ kín, nam giới hoàn toàn khỏa thân. 

Ngoài tài sản là đàn bò và dê với số lượng khá lớn, người Surma chỉ có nhà đắp bằng đất hoặc túp lều đậy bằng rơm hoặc tum húm cheo leo trên cây, hoặc lệt bệt tơ hơ dưới đất để trú thân với những tấm da bò làm chiếu ngủ. Thức ăn chính của người Surma là sữa và máu bò - mà họ hút thẳng từ tĩnh mạch cổ, nơi vết thương dễ lành nhất. Họ chăn nuôi trâu bò, gà lợn, trồng lúa, ngô, bo bo, hạt kê và tự cung tự cấp những thứ đó.

Ảnh internet

Bờ môi to nhất trị giá 50 con trâu!

Vào mỗi mùa gặt, đàn ông thuộc bộ tộc Surma bỏ ra hàng giờ để bôi mặt và thân thể trước khi tham gia một loạt cuộc tranh tài để chứng tỏ lòng can đảm và tranh giành các cô gái. Kẻ thắng trận hãnh diện đứng ra hỏi cưới cô gái mình thích và trước khi "đưa nàng về dinh" chàng phải dâng lễ cưới cho gia đình cô dâu gồm một số súc vật, được định đoạt bằng kích thước khối đất sét và cái đĩa gỗ độn dưới hàm dưới của người đẹp. Bất kể họ xinh hay xấu, cao hay thấp, gầy hay béo, hễ có bờ môi với chiếc đĩa lớn nhất thì có nghĩa họ là người đẹp nhất, hấp dẫn và có giá trị nhất trong con mắt bộ lạc.

Thông thường, những chiếc đĩa có đường kính 10cm là đạt tiêu chuẩn đẹp. Cô gái nào sở hữu bờ môi với chiếc đĩa căng môi lớn nhất, thì cô đó là hoa hậu của bộ tộc. Chiếc đĩa căng môi lớn nhất ghi nhận được ở bộ lạc này có đường kính tới 15cm. Phụ nữ mang đĩa môi đồng nghĩa nhận được sự tôn trọng và ngưỡng mộ, đặc biệt là từ nam giới và được tất thảy đàn ông mơ ước lấy làm vợ. Những người đàn ông cũng tranh đua để lấy được người phụ nữ có “quả” môi khủng. Chỉ những người cực giàu mới lấy được những nàng đeo đĩa môi lớn. Bờ môi của phụ nữ càng lớn thì có nghĩa là độ thách cưới càng “khủng”. Cha mẹ những phụ nữ này có thể thách cưới 20 đến 30 con trâu, bò, dê. Thậm chí, những đôi môi khủng có đường kính trên 10cm sẽ “đốt” của chàng tới 50 con trâu mộng cùng một số bò, dê. Chính vì thế, chỉ có đại gia, tộc trưởng, giàu có ngất trời mới cưới được những nàng môi khủng làm vợ. Để lấy được những người phụ nữ ấy, cánh đàn ông bộ tộc phải đánh nhau đổ máu. Bởi thế, đĩa môi dùng để nhắc nhở người phụ nữ về sự tận tâm với chồng. Nếu người chồng qua đời, đĩa môi sẽ được ném đi và sẽ không bao giờ được đeo lại. Nếu một người phụ nữ được tái hôn với một trong những người anh em trai của người chồng đã chết, cô ta cũng không được đeo đĩa môi.  Tương tự, nếu một người trong họ hàng qua đời, chẳng hạn như em trai, người phụ nữ sẽ không đeo đĩa môi nhiều tháng liền.

Công nghệ làm đẹp kinh dị

Không rõ phong tục căng môi có từ khi nào, nhưng tổ tiên của họ đã làm vậy. Cứ đến tuổi dậy thì, các thiếu nữ sẽ phải trải qua cuộc hành xác đau đớn vì cái đẹp. Người phụ nữ sẽ bị đục một cái lỗ ở môi dưới có kích thước khoảng 1-2 cm. Nghi lễ này được mẹ cô gái hoặc những người phụ nữ trong họ hàng thực hiện. Một chiếc nút bằng gỗ sẽ được đặt vào trong vết cắt và được giữ ở đó khoảng 3 tuần hay cho đến khi vết thương lành lại. Sau đó, chiếc nút sẽ được thay thế bằng một chiếc đĩa lớn hơn và theo đó chiếc môi được dần dần kéo căng ra. Quá trình này sẽ tiếp tục cho đến khi chiếc môi được mở ra khoảng 4cm đường kính. Đến lúc này, chiếc đĩa môi đất sét đầu tiên sẽ được gắn vào. Để chiếc đĩa môi có thể gắn vừa, phải có ít nhất là 2 hay 4 chiếc răng cửa ở hàm dưới bị nhổ đi. Mỗi phụ nữ sẽ tự làm và trang trí cho đĩa môi của chính họ... Sau đó, chiếc đĩa lớn hơn được thay thế liên tục theo sự trưởng thành của cô gái. 

Chỉ vài năm căng môi, chị em đã có một chiếc đĩa khủng lủng lẳng trên miệng. Trước đây, đĩa căng môi được làm bằng gỗ, ngà voi, xương thú… Tuy nhiên, giờ đất nung được ưa chuộng hơn. Người ta sẽ nặn một cái đĩa bằng đất sét rồi đem nung. Đĩa sẽ được vẽ màu lòe loẹt. Những chiếc đĩa là vật trang trí không thể thiếu của phụ nữ khi có sự xuất hiện của đàn ông, cũng giống như chị em ở thế giới hiện đại dùng những bộ váy áo đẹp, trang sức quý phái. Trong khi trò chuyện không có mặt nam giới, hay lúc ăn uống nghỉ ngơi phụ nữ bộ tộc mới được tháo những chiếc đĩa này ra. Khi đó, trông cái môi của họ thòng lõng chả khác gì con đỉa khổng lồ bám ở mồm.

Không chỉ căng môi mà họ còn căng cả tai. Dù những chiếc đĩa trên tai không được đánh giá cao bằng đĩa ở môi, song cũng có giá trị riêng. Có lẽ chính cuộc sống hoang dã và đơn điệu đã khiến người Surma thích dành thời gian "sáng tạo cái đẹp" trên thân thể. Họ đã có truyền thống từ rất lâu đời nay là vẽ và trang trí trên cơ thể mình như một bức tranh với đầy đủ sắc màu. Nghệ thuật vẽ trên cơ thể là sinh hoạt truyền thống từ nghìn xưa của một số bộ lạc ở châu Phi, trong đó nghệ thuật vẽ của người Surma được cho là đặc sắc và độc đáo nhất. Họ phủ trên da một loại hỗn hợp gồm phấn trắng hoặc đất sét hòa với nước, cùng chất tạo màu. Có rất nhiều loại hình được thiết kế để người phụ nữ trở nên ấn tượng hơn. 

Với 3 màu cơ bản của đất sét, của đá núi lửa nghiền nát, cộng thêm các màu trung gian của thảo mộc, họ tạo ra những lằn vạch ngang bướng, những đốm chấm lung linh, những hoa văn ngẫu hứng mà tinh diệu, đến mức nhiều người cho rằng đây chính là nguồn gốc của nghệ thuật tạo hình hiện đại. Không chỉ màu, người Surma còn sử dụng thêm cây lá, hoa trái, lông thú… để tạo ra đủ hình thù có ý nghĩa theo trí tưởng tượng của từng người. 

Người Surma luôn hãnh diện về "bức tranh sống" vẽ trên cơ thể, là một nền văn hóa và đấy thực sự là một niềm tự hào của bộ tộc này. Hơn thế nữa, những cô gái của bộ tộc Surma còn xăm khắp cơ thể. Hình xăm là những vệt tròn, gồ lên như vết sẹo. Những hình xăm thường như ruộng lúa, chéo qua chéo lại như mưa rơi, ngoằn ngoèo như rắn bò.

Những bầu ngực đẹp nhất khi nó có chi chít hình xăm và khuôn mặt đẹp nhất cũng là khuôn mặt có nhiều hình xăm cùng với cái đĩa to nhất trên môi. Ngoài việc căng môi, xăm hình, phụ nữ Surma còn đeo đủ thứ lên người như vỏ sò, ốc, nanh hổ, lợn rừng, sừng hươu, thậm chí là… bắp ngô! 

Những nơi hủ tục còn tồn tại

Thế giới hiện đại với nhịp sống hối hả phần nào làm lu mờ phong tục truyền thống của các dân tộc trên thế giới. Tuy nhiên, tại những nơi quá trình hiện đại hóa chưa chạm tay tới, rất nhiều phong tục độc đáo của một số bộ tộc vẫn được lưu giữ và trở thành nam châm thu hút khách du lịch từ mọi nơi trên thế giới. Họ đi một quãng đường rất xa chỉ để chiêm ngưỡng tận mắt và chụp những bức ảnh về những người phụ nữ với những chiếc đĩa môi. Những bộ lạc ở Ethiopia nhận thức được rằng họ có thể kiếm sống bằng việc làm mẫu cho du khách và đây chính là một động lực đủ để các phụ nữ ở đó không muốn hủy bỏ phong tục này. Đây có lẽ là một phong tục đặc biệt hiếm có trên thế giới nên được lưu giữ (?!).

Một bộ tộc khác cũng tiến hành đặt đĩa môi bằng đất sét là người Mursi, láng giềng gần gũi với Surma. Dân số của họ có khoảng 3.900 người. Thiếu nữ Mursi cũng bị xuyên môi ở độ tuổi 15, 16. Người Mursi có mối liên hệ gần gũi với người Ethiopia, 15% trong số họ là người Thiên Chúa giáo. Còn lại cũng như người Surma, họ theo Thuyết vật linh. Nhiều bằng chứng khảo cổ cho thấy, phong tục đĩa môi đã xuất hiện trước Công nguyên, thời kỳ nạn mua bán nô lệ hoành hành nên nhiều người cho rằng nếu các cô gái đeo đĩa môi thì sẽ không bị bắt cóc bán đi làm nô lệ do các chủ nô thời đó không chấp nhận những người con gái không còn nguyên vẹn.