Kịch bản Anh rời khỏi EU và những "cú sốc" với cả thế giới

ANTĐ - Vào thời điểm chỉ còn 3 ngày nữa, tức ngày 23-6 nước Anh sẽ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý lịch sử về việc ở lại hoặc rời khỏi Liên minh châu Âu (hay còn gọi là Brexit), kịch bản Brexit cùng với những tác động với nước Anh đã được giới phân tích nêu ra.

Nếu Brexit thành hiện thực sẽ ảnh hưởng xấu tới kinh tế Anh, châu Âu và toàn thế giới

Tỷ lệ ủng hộ - phản đối sít sao

Sau vụ sát hại nữ nghị sĩ Công đảng Jo Cox - một trong những người ủng hộ Anh ở lại Liên minh châu Âu (EU) gây chấn động dư luận hồi tuần trước,  kết quả thăm dò mới nhất cho thấy, tỷ lệ người ủng hộ Anh ở lại EU đang gia tăng. Theo kết quả được công bố ngày 19-6 do hãng thăm dò dư luận ComRes thực hiện cho tờ Sunday Mirror vào thời điểm nữ nghị sĩ bị sát hại hôm 16-6, 38% người được hỏi muốn Anh rời khỏi EU, giảm so với tỷ lệ 45%trước khi bà Jo Cox bị bắn. 

Liên quan vấn đề di cư, phe ủng hộ rời khỏi “mái nhà chung EU” cho rằng, nếu kịch bản Brexit xảy ra, Anh sẽ hạn chế được lượng người di cư đến từ EU, từ đó giảm áp lực cho các dịch vụ công như trường học, bệnh viện, nhà ở và hệ thống an sinh xã hội. Nhưng phe phản đối Brexit lập luận rằng, người di cư tới EU đóng thuế cho nền kinh tế nhiều hơn là việc trở thành “gánh nặng”. Thủ tướng Anh David Cameron cũng cam kết, nếu Anh ở lại EU, nước này sẽ siết chặt chính sách hỗ trợ việc làm cho những người mới nhập cư vào EU trong 4 năm đầu.

Về vấn đề kinh tế, phe ủng hộ Anh “ly dị” EU cho rằng, rời khỏi EU đồng nghĩa với việc Anh sẽ không còn phải thực hiện các nghĩa vụ đóng góp ngân sách cho liên minh với số tiền khoảng 8,5 tỷ bảng Anh một năm, đồng thời Anh cũng kiếm được những hợp đồng thương mại với các quốc gia khác trên thế giới một cách nhanh chóng hơn khi không còn là một phần trong khối 28 quốc gia này.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư dự đoán, giá trị bảng Anh sẽ giảm mạnh nếu người Anh bỏ phiếu tách khỏi EU. Người giàu nhất thế giới Bill Gates cũng cho rằng, nước Anh sẽ “trở thành nơi kém hấp dẫn đáng kể với hoạt động kinh doanh và đầu tư” nếu họ rời EU.

Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Roberto Azevedo nhận định, nếu Anh rời EU thì người tiêu dùng và các doanh nghiệp nước này có thể thiệt hại 9 tỷ bảng Anh tiền thuế nhập khẩu mỗi năm. Xuất khẩu của Anh cũng sẽ gánh 5,5 tỷ bảng tiền thuế mới tại các thị trường nước ngoài và việc rời khỏi EU sẽ buộc Anh phải đàm phán với 161 nước thành viên WTO về các điều khoản liên quan. 

Phe phản đối Brexit còn cho rằng, việc rời EU sẽ làm suy giảm vị thế của Anh trên toàn thế giới và có thể làm gia tăng khả năng Scotland đòi tách ra độc lập. 

EU sẵn sàng ứng phó

Trong bối cảnh cuộc trưng cầu ý dân đi hay ở lại EU đang đến rất gần, các tổ chức quốc tế châu Âu đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ xáo trộn lớn nếu Brexit xảy ra. Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk cho rằng, trong trường hợp Brexit, liên minh này chắc chắc vượt qua được khủng hoảng nhưng sẽ phải trả giá rất đắt.  

Mới đây, trong bài trả lời phỏng vấn của tờ Washington Post của Mỹ, Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) Jose Angel Gurria cũng cho hay, nếu Brexit thành hiện thực sẽ ảnh hưởng xấu tới kinh tế Anh, châu Âu và toàn thế giới.

Trước đó, hôm 16-6, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định, kịch bản Brexit sẽ làm suy yếu mối quan hệ gắn kết trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Theo IMF, Brexit sẽ khiến những thách thức gây chia rẽ từ trong nội khối liên quan đến cuộc khủng hoảng di cư và những căng thẳng về tài chính mà Eurozone đang phải đối mặt trở nên nghiêm trọng hơn. Một số ý kiến cũng cho rằng nếu Anh bỏ phiếu rời khỏi EU, EU cần phải hành động nhanh chóng nhằm tránh tình trạng các quốc gia khác cũng bắt đầu một tiến trình tương tự. 

Dù vậy, Chủ tịch Eurogroup (nhóm Bộ trưởng Tài chính các nước Eurozone) Jeroen Dijsselbloem khẳng định, EU sẵn sàng đối mặt với mọi cú sốc và hậu quả có thể xảy ra trong trường hợp người dân Vương quốc Anh lựa chọn rời khỏi khối này.